1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Hàng trăm hộ dân hơn 2 thập kỷ ôm nỗi khổ ở dự án Đại học Huế

Vi Thảo

(Dân trí) - Khi dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đại học Huế (phường An Tây, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế) triển khai thi công, người dân tưởng chừng đã thoát kiếp khổ hơn 20 năm.

Sống treo trong dự án đại học

Nhà cửa xây dựng tạm theo thời gian xuống cấp, xập xệ, không được nâng cấp; môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, nhếch nhác là tình trạng chung ở Khu quy hoạch Đại học Huế tại Trường Bia, phường An Cựu và An Tây (thành phố Huế).

Ông N.V.T. (68 tuổi, trú phường An Tây) cho biết gia đình ông định cư tại đây từ lâu. Năm 1991, ông lập gia đình và được cha mẹ chia cho hơn 500m2 đất để ra ở riêng.

Hàng trăm hộ dân hơn 2 thập kỷ ôm nỗi khổ ở dự án Đại học Huế - 1

Nhiều tuyến đường trong Khu quy hoạch Đại học Huế tại Trường Bia (thành phố Huế) trở thành khu bãi rác thải (Ảnh: Vi Thảo).

Căn nhà cấp 4 của gia đình ông T. xây cách đây 33 năm, đã xuống cấp, tường xây không có cốt thép nên mỗi mùa mưa bão đến lại thấp thỏm nỗi lo.

Tuy nhiên, căn nhà này thuộc diện tốt nhất xóm do làm trước thời kỳ cả khu vực này được đưa vào quy hoạch Đại học Huế. Bởi sau khi có quy hoạch, người dân nơi đây không được tách thửa, không được xây dựng công trình kiên cố.

"Chủ nhà sau khi có điều kiện đã chuyển đi chỗ khác ở, cho chúng tôi thuê lại căn nhà này làm nơi trú mưa, tránh nắng. Nói là nhà nhưng chả khác hàng quán tạm bợ, ẩm thấp, có mưa to là ngập đến nửa nhà", chị N., một người thuê căn nhà xập xệ tại kiệt 46 Nguyễn Hữu Cảnh (tổ dân phố 1, phường An Tây) chia sẻ.

Hàng trăm hộ dân hơn 2 thập kỷ ôm nỗi khổ ở dự án Đại học Huế - 2

Nhiều căn nhà xập xệ trong Làng Đại học Huế, cạnh dự án khu tái định cư (Ảnh: Vi Thảo).

Khu quy hoạch Đại học Huế tại Trường Bia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, có tổng diện tích 135ha, được chia thành hai giai đoạn.

Năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt quy hoạch chi tiết Đại học Huế tại Trường Bia, với tổng diện tích hơn 113ha; dân số hiện trạng thời điểm đó là 1.845 người. Trong khu quy hoạch này có gần 200 ngôi nhà, nhiều ngôi mộ cần di dời, giải tỏa.

Đã 26 năm trôi qua nhưng một làng đại học hiện đại như mục tiêu đề ra còn ngổn ngang. Đặc biệt, nhiều hộ dân chưa được di dời, giải tỏa, phải sống "treo" giữa những bụi cây dại um tùm.

Dự án giải cứu hành hạ người dân

Nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt, cải thiện môi trường sống của người dân trong Khu quy hoạch Đại học Huế, đồng thời tạo quỹ đất phục vụ công tác tái định cư phục vụ dự án xây dựng Đại học Huế và một số dự án khác, năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đại học Huế.

Hàng trăm hộ dân hơn 2 thập kỷ ôm nỗi khổ ở dự án Đại học Huế - 3

Khu tái định cư Đại học Huế đang xây dựng dang dở tại Xóm Gióng, phường An Tây, thành phố Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Dự án có diện tích hơn 13ha tại khu Xóm Gióng (phường An Tây, thành phố Huế), với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng. Hạ tầng khu tái định cư đã được thi công hoàn thiện phần san nền toàn bộ khu vực được giải phóng mặt bằng và phân thành 522 lô. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Huế cho biết, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Đại học Huế, tổng diện tích thu hồi khoảng 11ha, gồm đất nông nghiệp, đất nghĩa địa, đất ở và các loại đất khác.

Đến nay, UBND thành phố Huế đã phê duyệt danh sách đền bù 949/951 ngôi mộ trong diện di dời giải phóng mặt bằng, với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng, còn 2 hộ chưa đồng ý di dời; phê duyệt các thửa đất nông nghiệp, với giá trị hơn 7 tỷ đồng, các hộ đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, còn lại 1 trường hợp chưa bàn giao.

Hàng trăm hộ dân hơn 2 thập kỷ ôm nỗi khổ ở dự án Đại học Huế - 4

Hơn 2 thập kỷ sống treo, người dân Khu quy hoạch Đại học Huế tiếp tục phải chờ (Ảnh: Vi Thảo).

Đối với đất ở, nhà ở, theo dự kiến ban đầu có 164 hộ có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, chủ đầu tư đang tiến hành điều chỉnh phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án theo hướng không giải tỏa nhà ở, đất ở, chỉ chỉnh trang theo hiện trạng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ đầu tư), dự án bắt đầu thi công từ tháng 12/2022 trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng khoảng 3,5ha.

Việc thi công chủ yếu tập trung ở khu vực đất ruộng với khối lượng thực hiện chính: đắp đất san nền khoảng 7.700m3; đắp nền đường giao thông khoảng 5.500m3.

Đến ngày 12/7/2023, dự án đã tạm dừng thi công với lý do điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

"Dự án Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Đại học Huế dậm chân tại chỗ, không một bóng người thi công. Cuộc sống bà con 20 năm nay mang tiếng thuộc thành phố nhưng quá khổ sở, đường sá thua cả đường nông thôn", người dân sống cạnh dự án bức xúc.

Hàng trăm hộ dân hơn 2 thập kỷ ôm nỗi khổ ở dự án Đại học Huế - 5

Dự án tái định cư Đại học Huế "hành" người dân (Ảnh: Vi Thảo).

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trên công trường hiện không có công nhân, máy móc thi công, nhà điều hành dự án "cửa đóng then cài". Khu tái định cư đang trong giai đoạn san nền, mặt bằng lởm chởm, nhiều hố nước tù đọng, kênh thoát nước bị đổ đất làm hẹp dòng chảy.

"Mùa nắng thì bụi, mùa mưa lầy lội, cả mấy con đường xóm cũng bị ngập nước, hư hại do quá trình thi công. Đợt cuối năm vừa rồi có nhiều đợt mưa to, nước mưa không chảy kịp do dòng chảy bị bít nên nước dâng lên ngập nửa nhà.

Cứ tưởng dự án triển khai, người dân sẽ có được cuộc sống mới khang trang, hạ tầng đồng bộ, môi trường cải thiện; nhưng thực tế thì vẫn phải tiếp tục ôm nỗi khổ đã kéo dài hơn 2 thập kỷ qua", bà N.T.T.H. (65 tuổi, sống cạnh dự án) cho biết.