1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

An Giang:

Hàng trăm hộ dân điêu đứng vì nhà máy xay xát lúa gạo

(Dân trí) - Cả trăm hộ dân “sống dở, chết dở” bởi lò sấy và Nhà máy xay xát lúa gạo hoạt động suốt ngày đêm. Nhiều người không chịu nổi đã che chắn khắp nhà nhưng vẫn bị bụi tấn công; nhiều người đã bị bệnh vì vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Đó là tình cảnh khốn khổ của gần trăm hộ dân ở hai tổ 9 và 10 thuộc ấp Khánh Châu, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang đang ngày đêm bị cơ sở sấy và xay xát lúa gạo của ông La Văn Đông tấn công. Dù bà con đã nhiều lần khiếu nại nhưng đến nay lò sấy và xay xát lúa gạo này của ông Đông vẫn không có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.

Vừa gặp chúng tôi, ông Võ Chí Dũng, 53 tuổi bức xúc nói: “Anh thấy đó, ở đây xa cơ sở vậy mà nhiều bà con bị ngứa cùng người. Là doanh nghiệp làm ăn thì phải biết nghĩ đến bà con, biết cách bảo vệ môi trường chứ. Làm kiểu này chỉ biết lo cho bản thân mà bỏ mặc bà con ở đây ngứa ngáy đến ăn ngủ không được là sao? Chúng tôi thưa gửi lên xã nhiều lần mà cứ im ru riết muốn bỏ nhà đi cho rồi!”

Do khói bụi, bà con ở ấp Khánh Châu phải che chắn như thế này
Do khói bụi, bà con ở ấp Khánh Châu phải che chắn như thế này

Còn ông Võ Hữu Hào, ở tổ 9 bức xúc cho biết, dù nhà ông ở cách cơ sở gần 100m nhưng nhiều năm nay hai vợ chồng ông không thể sống yên ổn được vì khói bụi từ lò sấy tấn công hàng ngày, hàng giờ. Quần áo vừa treo lên là bụi khói từ lò sấy và xay xát lúa đã bám đầy hết, đồ giặc rồi cũng như không. Giờ vợ của ông bị bệnh hen suyển ngày càng nặng hơn mà kiến nghị với địa phương nhiều lần vẫn chưa giải quyết khắc phục ô nhiễm ở cơ sở này. “Hai vợ chồng tôi che chắn hết nhà rồi mà bụi vẫn bay vào. Cơm nước thì vừa dọn lên chưa kịp ăn đã đóng bụi đầy hết luôn”, ông Hào nói.

Nhà máy sấy lúa và xay xát gạo của ông Đông không có hệ thống hút bụi và để những khoảng trống xả bụi ra bên ngoài
Nhà máy sấy lúa và xay xát gạo của ông Đông không có hệ thống hút bụi và để những khoảng trống xả bụi ra bên ngoài

Dù nhà cách trên 200m nhưng anh Võ Tuấn Anh vẫn không thể ăn ngủ được. “Mới lau giường xong giờ nó lại đóng bụi bậm đầy hết rồi sao ngủ trưa gì được. Còn lu nước mà không đậy kín thì bụi không thể tả, tắm vào ngứa chịu không nổi luôn. Một ngày nhà tôi lau biết bao nhiều lần mà vẫn vậy. Đi ra gặp ông Đông nói chuyện mà ông này cứ tránh né hoài!” – anh Tuấn Anh nói.

Để tìm hiểu cụ thể, PV đã thâm nhập vào cơ sở sấy và xay xát lúa gạo này. Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở này không hề có một đường dẫn khói bụi nào mà để bụi "tung hoành" tự do. Cơ sở này có hai nhà máy. Một bên hoạt động trên 5 năm nay, một bên mới xây dựng gần 2 năm nay. Tổng số có gần 30 máy sấy và 2 máy xay xát lúa gạo, công suất hoạt động trên 500 tấn/ngày.

Vợ ông Hào chỉ tay về vách lò sấy và xay xát bị khoét lỗ khiến bụi bay vào dân của ông Đông
Vợ ông Hào chỉ tay về vách lò sấy và xay xát bị khoét lỗ khiến bụi bay vào dân của ông Đông

Khi được hỏi tại sao không che chắn cẩn thận và làm hệ thống thoát khói bụi lên cao thì ông Đông, chủ cơ sở lại nói: “Để các vách này trống sẽ dễ quan sát các anh em làm trong đó, lỡ sấy lúa bị gì thì mình chịu trách nhiệm rồi sao! Nhà máy thì phải có bụi khói bay chớ”.

Chiều ngày 7/3, trao đổi với PV, ông Phạm Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa thừa nhận, việc hai nhà máy sấy và xay xát lúa gạo của ông Đông có diện tích trên 4.000m2 làm ô nhiễm không khí xung quanh khu dân cư nhiều năm nay. “Tôi đã đi xuống hiện trường rồi. Cái này là ô nhiễm không khí, khói bụi vào nhà dân mà thẩm quyền cấp xã đâu giải quyết được. Xã có làm đề nghị về huyện Châu Phú rồi nhưng đến nay chưa thấy ai xuống cả” – ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, chưa nhận được thông tin này. “Nếu việc này gây ảnh hưởng đến bà con thì trong tuần này chúng tôi sẽ cử cán bộ môi trường xuống giải quyết ngay để bà con ổn định cuộc sống” - ông Lâm nói.

Minh Thư