1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng nghìn xe "ngâm" trong nước ngập: Ai bồi thường?

(Dân trí) - Cơn mưa cực lớn ngày 26/9 tại TPHCM vừa qua đã nhấm chìm hàng nghìn ô tô, xe máy trong nước khiến các xe đều hư hỏng nặng. Vấn đề người dân quan tâm lúc này là chi phí sửa xe có được chủ bãi xe, chủ đầu tư chung cư bồi thường hay không; phía bảo hiểm sẽ giải quyết như thế nào?

Để làm rõ vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty luật Đức Chánh (TPHCM).

Hàng ngàn xe máy, ô tô bị nhấn chìm trong các tầng hầm gửi xe sau cơn mưa chiều 26/9 (ảnh: Đình Thảo)
Hàng ngàn xe máy, ô tô bị nhấn chìm trong các tầng hầm gửi xe sau cơn mưa chiều 26/9 (ảnh: Đình Thảo)

- Thưa luật sư, cơn mưa chiều tối 26/9 đã “nhấn chìm” hàng nghìn ô tô, xe máy, khiến các phương tiện hư hỏng nặng. Trong đó, nhiều người gửi xe trong bãi xe nhưng chủ bãi trông giữ cho rằng đây là thiên tai nên không bồi thường. Điều đó có đúng không?

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2005 về nghĩa vụ của bên giữ tài sản là bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ”.

Như vậy, trước tiên xác định việc để xảy ra việc tài sản gửi giữ bị hư hỏng thì trách nhiệm bồi thường thuộc về bên giữ tài sản, tức là chủ bãi xe.

Tuy nhiên, cũng theo khoản 4 của cùng điều luật này thì nghĩa vụ của bên giữ tài sản là “phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Vì vậy, cần xác định trong trường hợp này có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không? Nếu có thì sẽ loại trừ trách nhiệm dân sự cho chủ bãi xe. Nếu không thì chủ bãi xe phải bồi thường.

- Vậy theo ông trong trường hợp mưa to gây ngập bãi xe, để xe bị ngâm nhiều tiếng đồng hồ trong nước, làm hư hỏng xe như trong ngày 26/9 vừa qua thì có thuộc trường hợp bất khả kháng không?

- Theo Điều 161 BLDS 2005 thì: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Tuy nhiên, quy định này là để xác định “thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự”.

Còn hiện BLDS 2005 không định nghĩa thế nào là sự kiện bất khả kháng cũng như chưa có văn bản hướng dẫn hay quy định rõ các trường hợp cụ thể về sự kiện bất khả kháng như mưa, giông, bão, lốc, lụt, sấm sét, hạn hán, động đất, chiến tranh, phá hoại…

Vì vậy, việc xác định như thế nào là sự kiện bất khả kháng rõ ràng ít nhiều phụ thuộc vào nhận định chủ quan của mỗi người.

Việc xác định “cơn mưa lịch sử ngày 26/9/2016” có phải là sự kiện bất khả kháng hay không cũng vậy. Nếu đứng góc độ người gửi tài sản thì cho rằng chủ bãi xe phải lường trước mùa mưa ở TPHCM cũng như phải có biện pháp khắc phục để không xảy ra tình trạng ngập xe gây hư hỏng. Nhưng đứng dưới góc độ của người giữ xe thì cho rằng với cơn mưa lớn như vậy thì dù đã làm hết khả năng vẫn không thể khắc phục được việc ngập nước, dẫn đến hư hỏng xe của khách.

Vì vậy, chỉ có thể đưa vụ việc ra tòa án thì tòa có thẩm quyền phân định đây có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không. Nếu tòa đã phán quyết thì đây có thể là án lệ để áp dụng cho các trường hợp tương tự về sau.

- Đối với những xe lưu giữ trong tầng hầm của các tòa nhà, chung cư và bị hư hỏng do ngập nước, chủ đầu tư có trách nhiệm bồi thường không, thưa luật sư?

- Như đã phân tích ở trên, nếu chủ đầu tư hoặc người giữ tài sản ở chung cư đã thực hiện nhiều biện pháp có thể để khắc phục nhưng không thể, thì loại trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp này.

Ngược lại, thì vào mùa mưa này ở TPHCM hay có hiện tượng mưa to, gây ngập thường xuyên nên bên giữ tài sản phải có trách nhiệm lập phương án dự phòng và sử dụng biện pháp chống ngập tầng hầm để bảo quản tài sản cho bên gửi một cách tốt nhất. Nên nếu bên giữ tài sản chưa làm tròn trách nhiệm của mình thì không thể loại trừ trách nhiệm dân sự được.

Chẳng hạn, chủ đầu tư hoặc người giữ tài sản ở chung cư thông báo cho người gửi biết để di chuyển xe đi nơi khác nhằm tránh thiệt hại xảy ra. Nếu người gửi tài sản biết nhưng do chủ quan thì người giữ tài sản không phải bồi thường.

Ngược lại, chủ đầu tư hoặc người giữ tài sản ở chung cư không thông báo hoặc chủ quan, không có phương án bơm nước… dẫn đến việc tầng hầm bị ngập, xe bị hư hỏng thì theo tôi đây không phải là sự kiện bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm dân sự.

- Một số bạn đọc cũng thắc mắc là xe ô tô bị hư hỏng do đi trên đường ngập thì có được bồi thường không, thưa ông?

- Nếu chủ xe có mua bảo hiểm vật chất thì chủ xe có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt hại, ngoại trừ trường hợp trong hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận khác. Vì thiệt hại này không nằm trong các trường hợp loại trừ bảo hiểm. Còn mức bồi thường thiệt hại về tài sản sẽ được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.

- Xin cảm ơn ông!

Tùng Nguyên (thực hiện)