Ninh Bình:
Hàng nghìn người đổ về ngôi chùa lớn nhất Việt Nam làm lễ Phật đản
(Dân trí) - Mừng ngày đại lễ Phật đản, hàng nghìn tăng ni, phật tử từ khắp nơi đã đổ về chùa Bái Đính (Ninh Bình) để tụng kinh, lễ Phật và tắm Phật mong được gột rửa thân, khẩu, ý.
Ngày 15/4 (tức 14/4 âm lịch), chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức lễ Phật đản Phật lịch 2566 - Dương lịch 2022.
Hàng nghìn tăng ni, phật tử, người dân địa phương đã đổ về ngôi chùa lớn nhất Việt Nam để tham dự ngày đại lễ sau 2 năm không thể tổ chức quy mô lớn vì dịch bệnh Covid-19.
Lễ Phật đản (hay lễ Vesak) trong truyền thống phật giáo là ngày đại lễ vô cùng quan trọng và được gọi là lễ tam hợp (hợp nhất 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật gồm: Đản sanh, Thành đạo và Niết Bàn).
Ngày đại lễ, chùa Bái Đính thực hiện các nghi lễ như: Bao sái tượng pháp, tụng kinh, lễ Phật, tắm Phật… để cho các tăng ni, phật tử và người dân tham dự. Các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính.
Tắm phật là nghi thức quan trọng nhất trong ngày lễ Phật đản. Tượng Đức Phật Thích ca sơ sinh sẽ được đặt giữa chậu nước xung quanh phủ đầy hoa tươi, bên dưới có nước sạch và những cánh hoa thơm. Tất cả mọi người đều được tham dự nghi thức quan trọng này để thể hiện lòng thành kính.
Tắm phật với ý nghĩa là để gột rửa 3 nghiệp gồm: Thân, khẩu, ý được thanh tịnh (lời nói, ý nghĩ, hành động); đồng thời để trau dồi tam vô lậu học đó là: Giới, định, tuệ (nói lời hay, làm việc, tốt giữ tâm thiện).
Đây cũng là dịp chúng ta nhắc nhở mình cần phải tinh tiến, tu tập, tu giới, tu định, tu tuệ để cầu được sự giải thoát an lạc.
Khi chúng ta múc 3 gáo nước tượng trưng cho gột rửa 3 nghiệp, tượng trưng cho tu tập giới, định, tuệ, tượng trưng cho cúng nghiệp 3 đời Đức Phật quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong Kinh Tắm Phật Công Đức, Đức Phật dạy rằng: "Trong tất cả các sự cúng dàng, tắm phật là thù thắng nhất, hơn cả việc đem thất bảo nhiều như cát sông Hằng để làm bố thí".
Tại lễ Phật đản Phật lịch 2566 tổ chức tại chùa Bái Đính, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: "Kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca mâu ni là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi tăng ni, phật tử.
Đây là dịp để khẳng định sự trong sáng của giáo lý phật giáo và sự đóng góp của Phật giáo vói lịch sử của nhân loại".
"Phật giáo được truyền bá vào tỉnh Ninh Bình từ rất sớm. Tại vùng đất này hiện còn ghi rất nhiều dấu tích về sự phát triển của phật giáo Việt Nam. Nối tiếp truyền thống lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình luôn phát huy tinh thần "lục hoa, công trụ".
Với phương châm "đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội", Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã hướng dần tăng ni, phật tử sống theo giáo lý phật giáo, chấp hành pháp luật Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội" - lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình khẳng định.