1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Bắc Giang:

Hàng nghìn m2 đất ruộng san nền chờ… về phố

(Dân trí) - Ngoài việc nhập nhèm điều chuyển hơn 100 giáo viên, cán bộ vùng sâu về 5 xã sắp về thành phố, dư luận tại Bắc Giang còn đang đặt dấu hỏi chuyện hàng nghìn m2 đất nông nghiệp được san nền, chia lô vào thời điểm này đến nay vẫn chưa được xử lý.

“Sáp nhập cả… sai phạm”

Câu chuyện sai phạm trong quản lí đất đai xảy ra trong thời điểm “nhập nhằng” đang gây nhiều bức xúc, như “giọt nước tràn li”, khiến việc mở rộng TP.Bắc Giang suýt bị hoãn lại để… chờ xử lí dứt điểm, “làm sạch” 5 xã trước khi nó được nhập về thành phố.
 
Hàng nghìn m2 đất ruộng san nền chờ… về phố - 1

Ông Nguyễn Đức Hòa - GĐ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang (ảnh: H.Ngân).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Nguyễn Viết Tuấn cho biết, sai phạm về vấn đề đất cát thời điểm đó lãnh đạo huyện đang tập trung xử lí thì nhận được quyết định sáp nhập 5 xã này về thành phố.

Giám đốc Sở Nội Vụ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Mở rộng địa giới Hành chính tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đức Hòa cũng xác nhận: việc sai phạm về đất cát tại các xã này trở nên nghiêm trọng, và độ “nóng” của nó còn át cả việc xử lí tình hình đội ngũ giáo viên được điều chuyển sai quy định. Những vi phạm tràn lan trong việc “biến” đất ruộng thành đất thổ cư, theo ông Hòa, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Yên Dũng xử lí, nhưng huyện “làm không nổi”.

Ông Hòa nhận định: “Từ cán bộ thôn xóm đến bà con người dân trong huyện Yên Dũng ai cũng biết việc 4 xã sẽ được sáp nhập về thành phố nên người dân… cố tình vi phạm. Trước tình hình căng thẳng như vậy, Chủ tịch huyện có vào cuộc quyết liệt thì cũng khó ngăn cản”.

GĐ Sở Nội vụ cho biết thêm: “Chính vì những sai phạm dai dẳng kéo dài như vậy mà huyện Yên Dũng không xử lí nổi nên chúng tôi có quan điểm là bàn giao nguyên trạng các xã về thành phố, kể cả phần sai phạm để sau này thành phố sẽ tập trung xử lí sẽ dứt điểm hơn”.

Theo ông Hòa, UBND tỉnh có công văn “cho phép” kéo dài việc bàn giao 5 xã đến hết quý I/2011, để xử lí xong những sai phạm về đất đai. Nhưng thấy khả năng “nới” thời hạn, huyện vẫn khó làm được, nên Sở Nội vụ đã kiến nghị và UBND tỉnh đã chấp thuận phương án “sáp nhập cả sai phạm”.

GĐ Sở Nội vụ nêu quan điểm: “Vị trí người dân vi phạm, sớm muộn cũng sẽ hình thành khu dân cư. Bản chất là đất của người dân đang sử dụng, không lấn chiếm, tranh chấp. Sở sẽ đề nghị UBND thành phố và UBND tỉnh xem xét đưa ra một khung giá sàn để bán đấu giá cho người dân. Như vậy sẽ tránh được thiệt hại cho người dân đồng thời sẽ thu được về cho ngân sách của tỉnh một khoản tài chính”.

Tuy nhiên ông Hòa không đề cập vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo huyện khi để xảy ra sai phạm.

Sai phạm sau thì xử, sai phạm trước “bước qua”

Sau thời điểm 5 xã chính thức về thành phố, đơn thư khiếu nại bắt đầu nổi lên. Nhiều người đặt vấn đề, sai phạm đất đai “quá sức” của huyện nhưng còn sai phạm liên quan đến việc điều chuyển cán bộ, giáo viên?

158 giáo viên và 8 cán bộ hành chính được điều chuyển sai vào 2 thời điểm trước và sau ngày 30/6/2010 Sở Nội vụ đã kết luận. 46 trường hợp điều chuyển sai sau ngày 30/6 đã được điều động trở về đơn vị cũ công tác. Còn 120 trường hợp trước đó được “cho qua”.

GĐ Sở Nội vụ Nguyễn Đức Hòa lý giải, sở dĩ có mốc 30/6 là do tỉnh “làm tròn” con số từ quyết định ngày 23/6 của UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch 2 huyện Lạng Giang và Yên Dũng phải dừng toàn bộ việc điều động, thuyên chuyển giáo viên về 5 xã dự kiến cắt về thành phố. Trong khoảng thời gian “làm tròn” này, không giáo viên nào được điều chuyển.

Dư luận đặt vấn đề, về bản chất việc điều chuyển giáo viên của 2 vị Chủ tịch huyện về 5 xã vốn đã dư thừa giáo viên là sai quy định. Do đó việc sử lí sai phạm cần nghiêm minh, công bằng, không thể “sai phạm sau thì xử, sai phạm trước… bước qua”.

 Hồng Ngân