1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bắc Giang:

2 Chủ tịch huyện "nhập nhoạng" điều chuyển cán bộ, giáo viên

(Dân trí) - Hay tin 5 xã giáp ranh của 2 huyện Yên Dũng, Lạng Giang sẽ được sáp nhập về TPBắc Giang, 2 vị Chủ tịch huyện kí hàng loạt quyết định điều chuyển sai quy định cho gần 50 cán bộ, giáo viên vùng sâu về "điểm nóng", dù đã bị... "tuýt còi".

"Chạy"... điều chuyển

Ngày 27/9/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36/NQ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lạng Giang và Yên Dũng để mở rộng địa giới TP Bắc Giang. Theo đó UBND tỉnh quyết định "cắt" 4 xã, Tân Tiến, Tân Mỹ, Song Khê, Đồng Sơn (huyện Yên Dũng) và xã Dĩnh Trì (huyện Lạng Giang) sáp nhập về thành phố trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về mặt tổ chức cán bộ, hệ thống chính trị, an ninh, quốc phòng, chế độ, chính sách của nhân dân… Quyết định có hiệu lực từ 0h ngày 1/1/2011.

2 Chủ tịch huyện "nhập nhoạng" điều chuyển cán bộ, giáo viên - 1
Hàng loạt các quyết định kí sai quy định cho các giáo viên "chạy sô" về thành phố.
 
Ngay trước khi có quyết định điều chỉnh địa giới, khoảng tháng 5 - 6/2010, hàng loạt các cán bộ, giáo viên đang công tác ở các trường vùng sâu, vùng xa được "tức tốc" điều chuyển về 5 xã giáp ranh này. Điều bất thường là số lượng cán bộ, giáo viên ở 5 xã này hiện đã dư thừa càng    khiến cho tình trạng cán bộ giáo viên vốn đã dư thừa ở 5 xã thì lại càng dôi dư, gây ra tình trạng mất cân bằng trong ngành giáo dục tại địa phương. Đồng thời gây hoang mang, lo lắng cho một bộ phận cán bộ, giáo viên.

Trường THCS Tân Mỹ (huyện Yên Dũng), Ban giám hiệu nhà trường cho biết, sau khi rà soát số giáo viên cũ và số giáo viên mới chuyển về từ đầu năm học 2010-2011 đến nay nhà trường có tổng số 68 giáo viên.  Trong khi đó trường chỉ có 20 lớp. Như vậy nhà trường hiện có xấp xỉ 2,6 giáo viên/ lớp, "vượt" quy định của Bộ GD-ĐT 1,9 giáo viên/ lớp.

Nhà trường khẳng định không xin thêm giáo viên vì biến chế vốn đã luôn dư thừa nhưng vì trên điều về nên buộc phải tiếp nhận. Vì tình trạng thừa thầy, thiếu trò, gần như tuần nào trường cũng phải thay đổi thời khoá biểu rất phức tạp…

Huyện Lạng Giang có duy nhất xã Dĩnh Trì sáp nhập về TP Bắc Giang cũng trong tình trạng thừa nhân lực như vậy. 

2 Chủ tịch huyện "nhập nhoạng" điều chuyển cán bộ, giáo viên - 2

Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Vũ Văn Hùng: "Kí vì sức ép".

Trước tình hình mất cân bằng nơi thiếu, nơi thừa giáo viên, ngày 22/6/2010, Ban chỉ đạo mở rộng địa giới hành chính tỉnh Bắc Giang đã phải tổ chức buổi họp khẩn để chấn chỉnh. Ngày 23/6, UBND tỉnh ra quyết định yêu cầu 2 huyện Lạng Giang và Yên Dũng phải dừng toàn bộ việc điều động, thuyên chuyển giáo viên về 5 xã dự kiến sáp nhập vào thành phố.

Vậy nhưng sau việc "thổi còi" này, 2 vị Chủ tịch vẫn tiếp tục kí hàng loạt các quyết định sai quy định, điều chuyển tiếp 46 cán bộ, giáo viên về "vùng nóng". Tổng cộng, huyện Yên Dũng có 26 cán bộ, giáo viên được điều chuyển sai (18 giáo viên và 8 cán bộ hành chính), huyện Lạng Giang có 20 giáo viên. 

"Lỗi vượt còi"

Làm việc với phóng viên Dân trí, chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Vũ Văn Hùng giải thích việc điều chuyển sai quy định như trên là vì "những vấn đề tế nhị", do những chỗ quan hệ, quen biết nhờ vả, gửi gắm khó từ chối cũng như nhiều sức ép khác. Ông Hùng mong muốn được mọi người chia sẻ: "Anh em có ngồi vào cái “ghế nóng” của tôi thì mới hiểu, nhiều lúc không có sự lựa chọn nào khác. Có chỗ "anh ấy" gọi điện cho tôi rất nhiều lần. "Anh ấy" (xin giấu tên) vừa mới nghỉ, nhưng mình không nể không được. Không giúp thì cũng khó lắm…!”.

Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Dương Văn Quang lại cho biết sở dĩ có việc ông kí các quyết định điều chuyển giáo viên như vậy, một số là do nguyện vọng của những người công tác tại vùng sâu vùng xa, số khác thì thuộc diện con em đối tượng chính sách, gia đình có công. Ông Quang cũng cho rằng không sai thực hiện việc điều chuyển thời điểm Thủ tướng ban hành quyết định điều chỉnh địa giới hành chính. Ngoài ra ông không chịu sức ép nào khác.

2 Chủ tịch huyện "nhập nhoạng" điều chuyển cán bộ, giáo viên - 3

Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Dương Văn Quang: "Kí vì nguyện vọng và giáo viên là con em các đối tượng chinh sách".

Tuy nhiên, GĐ Sở Nội Vụ tỉnh Bắc Giang, Phó Trưởng ban chỉ đạo Mở rộng địa giới Hành chính Nguyễn Đức Hòa khẳng định 2 vị Chủ tịch huyện phạm 2 "lỗi". Thứ nhất, cả 2 đều phải biết các trường thuộc 5 xã sẽ sáp nhập về thành phố mà mình đang quản lí đều trong tình trạng dư thừa giáo viên mà vẫn cố tình điều chuyển giáo viên ở nơi khác về.

Sau nữa, sau khi UBND tỉnh ra quyết định tạm dừng lại toàn bộ việc điều chuyển giáo viên, để tiến hành rà soát, ổn định lại tình hình trên địa bàn, 2 vị Chủ tịch này vẫn tiếp tục kí thêm nhiều quyết định tương tự.

GĐ cũng "bật lại" biện giải của Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Dương Văn Quang. "Giáo viên công tác lâu năm tại vùng sâu vùng xa có nguyện vọng được về thành phố công tác để gần gia đình và có điều kiện tốt hơn là nguyện vọng chính đáng nhưng cũng phải dựa trên các tiêu chí, quy định của ngành và của pháp luật. Còn việc con em gia đình chính sách, gia đình có công được ưu tiên thì cũng phải dựa trên nguyên tắc, ví dụ được cộng điểm khi thi tuyển chứ không thể ưu tiên 100% như ông Quang nói" - ông Hòa phản ứng.

Câu chuyện hàng chục giáo viên được điều chuyển sai quy định đang làm “nóng” ngành giáo dục Bắc Giang. Hiện UBND tỉnh và các cơ quan chức năng trên địa bàn đã vào cuộc, dự định những trường hợp "nhập nhèm" sẽ được trả về địa bàn công tác cũ. Ngoài ra, những thông tin về vấn đề tiêu cực sau việc kí các quyết định này cũng sẽ được cơ quan chức năng làm rõ.

Hồng Ngân