1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Nông:

Hàng nghìn cây thông non bị hủy hoại trên đất rừng vừa thu hồi

Đặng Dương

(Dân trí) - Rừng thông dọc quốc lộ 28 lại bị tàn phá. Đáng nói, tình trạng phá thông non diễn ra tại chính diện tích vừa bị cưỡng chế, thu hồi từ hoạt động mua bán, lấn chiếm bất hợp pháp.

Rừng thông dọc quốc lộ (QL28) đoạn qua xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) có tổng diện tích trên 106ha. Trong số này, diện tích thông đã thành rừng là hơn 52ha, chưa thành rừng hơn 54ha.

Hầu hết, diện tích rừng thông đều do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Công ty Quảng Sơn) quản lý.

Hàng nghìn cây thông non bị hủy hoại trên đất rừng vừa thu hồi - 1

Rừng thông bị phá (Ảnh: Lê Phước).

Lãnh đạo Công ty Quảng Sơn cho biết, thời gian qua, đơn vị này nhận bàn giao 22ha đất rừng được UBND huyện Đắk Glong cưỡng chế, giải tỏa. Đây là diện tích rừng trước đây được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ.

Sau khi nhận bàn giao, Công ty Quảng Sơn đã trồng phục hồi gần 22ha đất rừng. Tuy nhiên, tình trạng hủy hoại rừng thông trong lâm phần của đơn vị liên tục xảy ra. Hầu hết các vụ hủy hoại rừng tập trung vào rừng thông mới trồng.

Qua thống kê, trong số các vụ hủy hoại rừng, có 18 vụ hủy hoại  gây thiệt hại hơn 5.900 cây thông non. Còn lại 3 vụ phá rừng thông gây thiệt hại 68 cây thông đã hơn 40 năm tuổi.

Hàng nghìn cây thông non bị hủy hoại trên đất rừng vừa thu hồi - 2

Năm 2022, Công ty Quảng Sơn trồng phục hồi gần 22ha đất rừng được UBND huyện Đắk Glong cưỡng chế, giải tỏa (Ảnh: Đặng Dương).

Cũng theo Công ty Quảng Sơn, mặc dù công ty đã cắt cử lực lượng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, song chưa thể ngăn chặn được việc hủy hoại rừng. Sau khi trồng phục hồi thông non, tình trạng phá rừng đã xảy ra nhiều hơn.

Theo ngành chức năng, rừng thông dọc QL28 được bao quanh bởi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân. Các đối tượng phá rừng thường lựa chọn thời điểm buổi tối để nhổ bỏ, chặt phá rừng. Nhiều đối tượng còn phá hoại bảng thông báo, camera theo dõi được đơn vị đầu tư lắp đặt.

"Đối với những diện tích thông bị hủy hoại, công ty đã kiểm tra và có phương án trồng phục hồi ngay trong mùa mưa 2023. Chúng tôi sẽ quyết tâm hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng để từng bước phục hồi lại rừng thông dọc QL28", lãnh đạo Công ty Quảng Sơn cho hay.

Hàng nghìn cây thông non bị hủy hoại trên đất rừng vừa thu hồi - 3

Các vụ phá rừng gây thiệt hại 59.000 cây thông non, hàng chục cây trên 40 tuổi (Ảnh: Đặng Dương).

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hợp - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thông tin, rừng thông dọc QL28 nằm tiếp giáp với nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân. Trên phần đất mới được trồng thông non, nhiều diện tích trước đây từng bị người dân lấn, chiếm sử dụng.

Việc phá rừng được thực hiện với thủ đoạn tinh vi và có sự chuẩn bị từ trước. Điều này gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ của đơn vị chủ rừng.

Hàng nghìn cây thông non bị hủy hoại trên đất rừng vừa thu hồi - 4

Huyện Đắk Glong sẽ đề nghị công an xử lý các đối tượng hủy hoại rừng mới trồng (Ảnh: Đặng Dương).

Thời gian qua, huyện Đắk Glong đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong quản lý, bảo vệ rừng. Chính quyền đã yêu cầu các đơn vị liên quan hỗ trợ chủ rừng thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng thông dọc QL28.

"Huyện Ðắk Glong sẽ chỉ đạo công an tập trung điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng. Ðắk Glong kiên quyết trồng lại rừng thông trên diện tích rừng bị phá để từng bước phục hồi lại rừng", ông Nguyễn Văn Hợp nói.

Trước đó Dân trí đã phản ánh, năm 2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao hơn 162ha cho Công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ quản lý, bảo vệ .

Từ năm 2015 đến 2018, tình trạng vi phạm lâm luật tại dự án này diễn ra phức tạp khi liên tiếp xảy ra việc đầu độc, bức tử rừng thông, lấn chiếm, sang nhượng, mua bán đất rừng để tạo lập tài sản trái phép.

Năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định về việc thu hồi gần 163ha đất rừng của Công ty Nguyên Vũ giao Công ty Quảng Sơn quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, có hơn 35ha đã bị 133 trường hợp lấn, chiếm sử dụng.