Hàng loạt tỉnh thành "phấn khởi" nới cách ly xã hội
(Dân trí) - Ngay sau chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ chiều 22/4, một loạt các tỉnh thành trên cả nước đã ra văn bản về việc nới cách ly trên địa bàn từ 0h ngày 23/4.
Theo đó, Thủ đô Hà Nội "chốt" từ 0h ngày 23/4, trên địa bàn TP chỉ còn 2 huyện là Mê Linh và Thường Tín vẫn phải thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hoạt động kinh tế ở các quận huyện khác sẽ được mở từ từ, nhiều hàng quán sẽ được mở cửa trở lại nhưng trên cơ sở vẫn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
TPHCM cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa về nhóm "có nguy cơ", được nới lỏng biện pháp cách ly, một số dịch vụ không thiết yếu được phép mở cửa trở lại từ 0h ngày 23/4.
Tối 22/4, Sở GTVT TPHCM thông báo khẩn cấp tiếp tục tạm ngưng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, xe buýt, xe hợp đồng (trừ xe dưới 9 chỗ) và xe du lịch (trừ xe dưới 9 chỗ) từ ngày 23/4 đến hết ngày 3/5.
Trong khi đó, xe taxi, xe hợp đồng (dưới 9 chỗ) và xe du lịch (dưới 9 chỗ) được phép hoạt động trở lại.
Theo Sở GTVT TP, các trường hợp đặc biệt được cấp phép vì lý do công vụ, xe cung cấp lương thực, thực phẩm, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Sở GTVT TP yêu cầu các xe được phép hoạt động phải đáp ứng đầy đủ cá yêu cầu như: lái xe, nhân viên phục vụ phải chấp hành đầy đủ các quy định khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang... Ngoài ra, xe phải được khử trùng trước và sau khi đón khách, không chở quá 50% sức chứa.
Chiều 22/4, UBND TP Cần Thơ ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; cho phép nới lỏng một số hoạt động từ ngày 23/4.
Theo đó Cần Thơ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại cuộc Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Lê Quang Mạnh- Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng cho biết, thời gian qua, nhân dân TP Cần Thơ đã có những cố gắng phối hợp cùng các cấp chính quyền phòng chống dịch bệnh. Trong thời gian tới, với việc TP được xếp vào nhóm nguy cơ thấp, người dân phải thích ứng trạng thái sống chung an toàn với dịch bệnh trong thời gian tương đối dài để giảm thiểu rủi ro của dịch bệnh.
“Từ ngày 23/4 chúng ta chuyển sang trạng thái mới sống chung lâu dài với dịch bệnh Covid-19. Nếu để tình trạng nới lỏng diễn ra quá nhanh, quá ồ ạt, đặc biệt dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5... sẽ là một nguy cơ lây lan bệnh dịch" - ông Mạnh nói.
Người đứng đầu chính quyền TP Cần Thơ cũng đề nghị các ngành, địa phương cần truyền thông điệp của TP Cần Thơ là "duy trì trở lại các hoạt động kinh doanh nhưng không quên cảnh giác với bệnh dịch bằng các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, không tập trung đông người”.
Tối 22/4, UBND TP Đà Nẵng có văn bản thông báo cụ thể các hoạt động nào được hoạt động trở lại hoặc vẫn tạm dừng từ 0h ngày 23/4.
Theo đó, các hoạt động được phép hoạt động với điều kiện đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gồm: các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; Hoạt động xe du lịch, xe hợp đồng, xe taxi nhưng chỉ được phép vận chuyển 50% số lượng khách theo số lượng ghế ngồi của xe; Các hoạt động văn hóa, thể thao trừ các hoạt động tại các khu điểm du lịch, giải trí, phòng tập trong nhà; Hoạt động tắm biển đảm bảo không tập trung đông người tại cùng một thời điểm.
Đặc biệt các hàng quán bán đồ ăn, uống bán tại chỗ và bố trí đảm bảo khoảng cách 2 mét giữa khách hàng, người phục vụ.
Các hoạt động tiếp tục tạm dừng gồm: Hoạt động tại các khu vui chơi giải trí tập trung, khu, điểm du lịch; Hoạt động các tuyến xe buýt nội đô, liên tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam và Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế; xe du lịch điện, vận tải khách thủy nội địa. Riêng hoạt động Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tạm dừng đến ngày 30/4; Các nghi lễ tôn giáo tập trung trên 20 người; Các điểm tham quan vui chơi giải trí, thể dục thể thao đông người...
Thông báo của UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, từ 23/4, Thành phố tạm dừng tổ chức cách ly tập trung công dân từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng phải hướng dẫn thực hiện tự theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Công dân đến từ các khu vực dịch nguy cơ cao thì thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Sở Y tế đảm bảo các điều kiện cho học sinh đi học lại từ ngày 4/5; riêng học sinh mầm non đi học lại từ ngày 11/5.
Từ ngày 23/4, UBND tỉnh Phú Yên vẫn khuyến khích người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc; không tập trung từ 20 người trở lên tại nơi công cộng.
Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động trở lại trừ khu vui chơi giải trí, tham quan, du lịch, cơ sở thẩm mỹ, phòng tập thể hình, karaoke, massage, bar…
Tiếp tục dừng việc tổ chức các hoạt động lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao đông người.
Các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo an toàn để học sinh lớp 9, lớp 12, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đi học trở lại vào ngày 27/4; Các khối lớp còn lại đi học vào ngày 4/5.
Chiều 22/4, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, nhận định, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được kiểm soát tốt, đã quá 28 ngày không ghi nhận ca mắc mới, đủ điều kiện công bố hết dịch.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hoá thống nhất từ 23/4, các cơ sở dịch vụ như hàng ăn, cà phê, giải khát, spa, thể thao trong nhà được phép hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của ngành y tế tại cơ sở và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội.
Tối 22/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam thông tin, từ ngày 23/4, 100% cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan Đảng, Nhà nước… trên địa bàn tỉnh đi làm lại bình thường.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, theo phân loại của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Quảng Nam thuộc nhóm nguy cơ thấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cấp, các ngành bám sát chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tham mưu UBND tỉnh để cụ thể hóa các giải pháp phù hợp với tình hình của địa phương, thực hiện cho được mục tiêu kép là vừa đảm bảo an toàn về dịch bệnh vừa đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Trước mắt, từ ngày 23/4, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đi làm lại bình thường. Cho phép các Trung tâm hành chính công và các bộ phận 1 cửa được hoạt động trở lại. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị này chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đông người đến giao dịch trong cùng thời điểm.
Chuẩn bị cho học sinh, sinh viên đi học trở lại sau ngày 3/5/2020.
Từ 0h ngày 23/4, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Theo đó cho phép các nhà hàng ăn uống được hoạt động trở lại theo hình thức bán hàng online, bán thực phẩm mang đi (không phục vụ tại chỗ).
Cho phép các hoạt động vận tải hành khách hoạt động trở lại. Yêu cầu vận chuyển hành khách không quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 khách tại một thời điểm. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên toàn tỉnh đi làm bình thường từ ngày 23/4. Tuy nhiên tiếp tục khuyến khích họp trực tuyến, thực hiện nghiêm quy định không quá 20 người trong một phòng họp.
Tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận thủ tục hành chính trực tuyến. Tiếp tục tạm dừng việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân các cấp.
Lào Cai thống nhất cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ ngày 4/5.
Tiếp tục triển khai các chốt kiểm soát Covid-19 đến hết ngày 3/5. Khuyến cáo người dân không đi và đến các vùng có dịch.
Chiều tối 22/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung ký văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Nghệ An tiếp tục tạm dừng các hoạt động nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng tập trung đông người, tất cả các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí công cộng, tham quan di tích, danh thắng…
Nới lỏng hoạt động của một số cơ sở sản xuất kinh doanh, các loại hình dịch vụ khác. Các hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh vẫn đang tiếp tục dừng hoạt động. Vận tải hành khách nội tỉnh khai thác không quá 50% số chuyến, chở không quá 50% số ghế và không quá 20 người trên xe.
Các hoạt động và sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội do người đứng đầu quyết định tổ chức nếu thực sự cần thiết và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Từ ngày 23/4, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước đi làm bình thường nhưng phải thực hiện quy định phòng dịch nơi công sở. Nghệ An vẫn tiếp tục duy trì 8 điểm cách ly tập trung tuyến tỉnh để thực hiện công tác phòng chống Covid-19 giai đoạn 2.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, nhiều lĩnh vực vẫn phải tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới như tắm biển, bể bơi công cộng, các câu lạc bộ thể dục thể hình, vui chơi giải trí. Các nhà hàng, trung tâm sự kiện tổ chức các sự kiện, tiệc cưới trên 20 người vẫn không được phép hoạt động.
Các hoạt động văn hóa, giải trí, vui chơi đông người vẫn bị cấm. Tuyến xe buýt nội tỉnh, xe buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng, xe du lịch điện, thuyền du lịch vẫn chưa được mở trở lại.
Các cơ sở lưu trú, nhà hàng kinh doanh ăn uống, cà phê, giải khát… được mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch. Riêng loại hình ăn uống tự chọn (buffet) chưa được tổ chức.
Các nhà thi đấu, sân vận động, khu thể thao được mở cửa trở lại phục vụ cho vận động viên tập luyện, thi đấu nhưng đảm bảo giữ khoảng cách và dưới 20 người trong 1 khu hay 1 phòng.
Trong ngày hôm nay (23/4), Thừa Thiên Huế sẽ tạm dừng hoạt động 5 chốt kiểm soát dịch bệnh. Tất cả cơ quan, công sở tổ chức làm việc lại bình thường nhưng khi hội họp phải hạn chế trên 20 người.
Nhóm phóng viên