Hàng loạt quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 7

Thế Kha

(Dân trí) - Nhiều quy định đáng chú ý liên quan đến cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới, lương tối thiểu vùng, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, hỗ trợ đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài,… sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2022.

Cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân Việt Nam

Để triển khai Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2021/TT-BCA quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan. Theo đó, từ ngày 1/7, Bộ Công an sẽ bắt đầu triển khai cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân.

Hàng loạt quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 7 - 1

Trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng... (Ảnh: Nguyễn Dương).

So với mẫu hiện hành, mẫu hộ chiếu phổ thông mới có nhiều cải tiến, được thiết kế công phu, trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò - Đảo Lý Sơn..., góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam.

Mẫu hộ chiếu phổ thông mới cũng được đảm bảo các kỹ thuật bảo an và khó làm giả hơn.

Điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng với mức tăng bình quân

Nghị định số 38/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1/7 đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng với mức tăng bình quân là 6% - tương ứng tăng từ 180.000-260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành. Đây chính là mức tiền lương thấp nhất làm cơ sở để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động.

Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định 38 quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng.

Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng.

Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng.

Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ, nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.

Hàng loạt quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 7 - 2

Công nhân tại khu công nghiệp Hòa Khánh, TP Đà Nẵng (Ảnh: Khánh Hồng).

Điều chỉnh lại mức thu của hàng loạt phí, lệ phí

Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 120/2021 quy định về mức thu của một số khoản phí, lệ phí áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022.

Trong đó đã tiếp tục bổ sung thêm 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm, đồng thời gia hạn thời gian được giảm mức thu của 34 khoản phí khác, nâng tổng số khoản phí, lệ phí được giảm từ 34 lên 37.

Có thể kể đến các khoản sau: Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip, lệ phí cấp hộ chiếu, phí sử dụng đường bộ, phí cấp giấy đăng kiểm… Các khoản lệ phí này được giảm từ 10 - 50% so với quy định trước đó, áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.

Kể từ ngày 01/7/2022, 37 khoản phí, lệ phí này sẽ trở lại mức thu theo quy định trước đó.

Hàng loạt quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 7 - 3

Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Triển khai hình thức hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên

Có hiệu lực từ ngày 8/7, Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục sẽ thay thế Quyết định 68/2008.

Theo đó, triển khai hỗ trợ các hoạt động đối với khởi nghiệp cho sinh viên ở các cơ sở giáo dục đại học, cụ thể:

- Tổ chức tuyên truyền về các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên thông qua hoạt động đào tạo, hoạt động ngoại khóa, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông.

- Xây dựng chương trình đào tạo, chuyên đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn.

- Giáo dục, nâng cao nhận thức, truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên thông qua triển khai "Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh, sinh viên".

- Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên thông qua chương trình đào tạo, nghiên cứu tài liệu, hoạt động ngoại khóa, phương tiện công nghệ thông tin, hoạt động phối hợp với các đối tác.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

- Tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp cho sinh viên thông qua hoạt động phối hợp với các đối tác; tổ chức cho sinh viên tham gia các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu thành tựu khoa học kỹ thuật, dự án khởi nghiệp.

Điều chỉnh chính sách cộng điểm ưu tiên thi đại học

Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, chính thức có hiệu lực từ ngày 22/7.

Thông tư mới vẫn giữ nguyên mức điểm ưu tiên cho các khu vực như: Khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm, khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.

Tuy nhiên, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Cũng từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:

Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2, Điều 7 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Như vậy, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên/3 môn thì điểm ưu tiên sẽ càng giảm và sẽ không có thí sinh nào có điểm xét đại học quá 30.

Nói cách khác, thí sinh thi đại học từ năm 2023 chỉ được cộng điểm ưu tiên khu vực trong tối đa 2 năm là năm tốt nghiệp cấp 3 và năm kế tiếp.

Hỗ trợ học phí 25.000 USD/người/năm đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài

Thông tư 30/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 được áp dụng từ ngày 20/7.

Theo đó, học phí tối đa 25.000 USD/năm học. Trường hợp học phí cao hơn 25.000 USD/năm học thì mức chênh lệch cao hơn do người học tự chi trả.

Chi phí làm hộ chiếu, visa thanh toán theo chi phí thực tế. Sinh hoạt phí gồm: Tiền ăn, ở, đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài.

Bảo hiểm y tế bắt buộc được thanh toán theo quy định của nước sở tại, tối đa 1.000 USD/năm. Tiền vé máy bay đi và về sẽ là một lượt đi và về.

Chí phí đi đường được cấp một lần với mức khoán là 100 USD/người...

Hàng loạt quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 7 - 4

Hỗ trợ học phí 25.000 đô la Mỹ/người/năm đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài (Ảnh minh họa: VGP).

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức kế toán, thuế, hải quan

Từ ngày 18/7, Thông tư số 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ sẽ chính thức được áp dụng.

Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan đã có sự thay đổi. Thông tư 29 đã không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với tất các vị trí.

Công chức là kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan chỉ cần đảm bảo có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.