Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị đóng đinh, "còng lưng bán hàng"

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Nhiều cây xanh trên địa bàn Thủ đô đang bị đóng đinh, "còng lưng bán hàng" làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Biển quảng cáo "mọc" ở cây sau một đêm

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trên nhiều tuyến phố Hà Nội, tình trạng người dân "vô tư" đóng đinh trực tiếp vào cây xanh để treo biển quảng cáo diễn ra tràn lan.

Hàng loạt cây xanh đã trở thành "giá" treo đồ bất đắc dĩ của các tiểu thương, người dân. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng tới việc phát triển của cây mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Theo quan sát, việc đóng đinh, treo quảng cáo vào thân cây xanh xuất hiện nhiều ở các tuyến phố Nguyễn Hoàng Tôn, Cổ Nhuế, Láng, Trịnh Văn Bô,...

Anh Đinh Văn Toán (sống tại đường Láng, Hà Nội) cho biết, tình trạng đóng đinh vào cây xà cừ trên đường Láng để treo biển quảng cáo đã diễn ra từ lâu, thỉnh thoảng anh thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra, tháo dỡ.

Có lần anh Toán phát hiện hai thanh niên định đóng đinh vào thân cây để treo biển quảng cáo liền hô hoán đe dọa thì những người này bỏ đi, nhưng sáng hôm sau anh đã thấy một tấm biển quảng cáo mới được đóng ở trên thân cây. 

Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị đóng đinh, còng lưng bán hàng - 1

Đi dọc các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô không khó để bắt gặp cảnh cây xanh bị đóng đinh, "còng lưng bán hàng" (Ảnh: Nguyễn Hải)

Anh Toán nhận định việc cây xanh bị đóng đinh, "còng lưng bán hàng" ngoài mất mỹ quan đô thị còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông khi người đi đường tập trung nhìn vào tấm biển quảng cáo, hoặc do khuất tầm nhìn.

Theo chị Nguyễn Thị Ánh (sống tại Cổ Nhuế) những tấm biển quảng cáo treo ở cây xanh được đóng đinh rất tạm bợ nếu gặp mưa to, gió lớn có thể bung, rơi bất cứ lúc nào gây nguy hiểm cho người đi đường. 

Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, để giải quyết triệt để "vấn nạn" đóng đinh, treo biển quảng cáo trên cây xanh cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị, ban ngành. 

Tại các tuyến phố là điểm "nóng" về vấn đề này công ty thường xuyên phối hợp cùng các ban ngành địa phương để tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý người vi phạm hiện đang gặp khó khăn.

Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị đóng đinh, còng lưng bán hàng - 2

Biển ngõ được đóng trực tiếp vào cây xanh (Ảnh: Nguyễn Hải).

Chỗ bị đóng đinh là nơi sâu bệnh phát triển, phá hủy cây

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá, cây xanh bị đóng đinh sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển. Ngoài ra, những chỗ bị đóng đinh là nơi sâu bệnh phát triển, phá hủy cây.

"Đối với cây sức đề kháng tốt khi bị đóng đinh sẽ ít ảnh hưởng đến sự phát triển nhưng những cây sức đề kháng kém khi bị vật thể lạ xâm nhập sẽ thối, chết", GS.TSKH Lung nói và cho rằng ngoài việc bị đóng đinh cây đô thị tại Hà Nội còn chịu nhiều sự xâm phạm khác như khoét vỏ, căng dây, đốt gốc,...

Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị đóng đinh, còng lưng bán hàng - 3

Chân cắm cột cờ cũng được đóng vào cây xanh trên đường Cổ Nhuế (Ảnh: Nguyễn Hải)

Ông Lung đề nghị các cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ, xử phạt nghiêm đối với những người có hành vi đóng đinh, treo biển quảng cáo trên cây xanh. 

Còn PGS TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định tiểu thương, người dân có hành vi đóng đinh, treo biển quảng cáo trên cây xanh là những người thiếu ý thức trong việc tôn trọng và bảo vệ môi trường. Những người này thường có tính "tùy tiện" và suy nghĩ của chung có thể thoải mái sử dụng, chiếm cứ, thậm chí là phá hoại.

Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị đóng đinh, còng lưng bán hàng - 4

Những chiếc đinh sắt to, dài được đóng vào cây xanh trên đường Nguyễn Hoàng Tôn (Ảnh: Nguyễn Hải)

Theo ông Đức, khi sống ở đô thị người dân phải biết giữ gìn, bảo vệ, tôn trọng môi trường chung, đặc biệt là cây xanh. Bởi cây xanh là lá phổi của thành phố để tạo ra không khí trong lành.

Trong lúc người dân chưa tự giác để bảo vệ cây xanh, ngoài việc giáo dục, nâng cao ý thức các cơ quan chức năng cần phải xử phạt nghiêm minh.

"Biện pháp tích cực nhất về lâu về dài để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, cây xanh là giáo dục, nhắc nhở. Còn về trước mắt để việc bảo vệ cây xanh có hiệu quả là quản lý chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh", ông Đức chia sẻ.

Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng,... thì hành vi giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Còn hành vi đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh,... bị phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng.

Từ năm 2016, nhằm thực hiện chiến dịch phủ xanh đô thị, Hà Nội đã cho trồng hơn 1 triệu cây xanh trên dải phân cách các tuyến đường. Đến cuối năm 2018, Hà Nội công bố hoàn thành trồng mới 1 triệu cây xanh. Trong đó 73.000 cây được trồng theo diện xã hội hóa.