1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hàng loạt biệt thự cũ ở Hà Nội bị phá dỡ sai quy định

(Dân trí) - Mặc dù Thủ tướng và UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo dừng việc cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự song Sở Xây dựng và UBND một số quận vẫn cấp phép xây dựng để phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ.

Ban Pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội vừa ban hành kết quả giám sát “Việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND Thành phố về quản lý quỹ nhà biệt thự, khu chung cư cũ; thực hiện Kết luận giám sát của Thường trực HĐND về quản lý trật tự xây dựng đô thị; thực hiện Kết luận thanh tra về việc xác định 312 biệt thự không thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Kết quả giám sát cho thấy công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo tồn, tôn tạo biệt thự, nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tình trạng vi phạm cấp phép, phá dỡ, cải tạo, xây dựng nhà biệt thự, công trình kiến trúc trước năm 1954 đã được kiểm soát, tuân thủ các quy định của pháp luật và Nghị quyết của HĐND thành phố về quản lý quỹ nhà biệt thự.

Trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.000 biệt thự cũ
Trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.000 biệt thự cũ

Trong năm 2015, thực hiện kết luận chất vấn của HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra Thành phố thực hiện thanh tra toàn diện việc tham mưu, đề xuất xác định 312 biệt thự đưa ra ngoài danh sách quản lý theo Đề án. Sau khi Thanh tra Thành phố có kết luận Thanh tra số 834, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo xử lý sau kết luận thanh tra. Hiện nay, Thanh tra Thành phố đang hoàn tất thủ tục thanh tra công vụ đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kết quả giám sát của Ban Pháp chế cũng chỉ rõ, một số nội dung Nghị quyết HĐND Thành phố về quản lý quỹ nhà biệt thự triển khai thực hiện chậm so với tiến độ đề ra. Các bên liên quan chưa thực hiện được việc nghiên cứu thí điểm dùng ngân sách nhà nước mua lại của các chủ sử dụng đan xen với trụ sở cơ quan, nhà biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa gắn với lịch sử Thủ đô, đất nước đã xuống cấp để bảo tồn, tôn tạo lại theo nguyên trạng ban đầu theo tinh thần Nghị quyết số 02 của HĐND Thành phố.

Ngoài ra, UBND Thành phố Hà Nội chưa có quy định về trách nhiệm, cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực cho việc đầu tư, hỗ trợ việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các biệt thự, công trình xây dựng trước năm 1954 có giá trị kiến trúc tiêu biểu và các biệt thự thuộc các nhóm đối tượng quản lý theo Đề án và Quy chế.

Hiện nay, nhiều biệt thự, công trình kiến trúc trước năm 1954, trong cả 3 nhóm, nhất là nhóm 3 bị các chủ sử dụng xây dựng cơi nới làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan, không gian của biệt thự, nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để.

Mặc dù Thủ tướng, UBND Thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo dừng việc cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự song Sở Xây dựng, UBND một số quận không thực hiện nghiêm túc, đã cấp phép xây dựng để phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ.

Trong khi đó, do công tác quản lý theo dõi thiếu chặt chẽ dẫn đến việc tự phá dỡ 63 biệt thự, xây mới nhưng cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng. 19 biệt thự báo cáo là biến dạng hoàn toàn và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hồ sơ đánh giá, thẩm định chất lượng. 48 biệt thự báo cáo đã phá dỡ, xây mới nhưng thực tế vẫn còn biệt thự (16 biệt thự vẫn còn, 35 biệt thự chỉ sửa chữa, cơi nới, nâng tầng). 48 nhà (biệt thự) báo cáo không phải là biệt thự, thực tế có 8 nhà là biệt thự.

Công tác kiểm định chất lượng, phân loại nhà chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại còn chậm, chưa lập được danh mục nhà nguy hiểm thuộc diện phải cải tạo, phá dỡ...

Qua giám sát Ban Pháp chế cũng đã chỉ ra các nguyên nhân (chủ quan, khách quan) của hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện và đã kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ các yêu cầu mà Nghị quyết và Kết luận giám sát đã đề ra.

Quang Phong