1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Hàng lậu trên tàu có nguồn gốc từ hành lý xách tay”!?

(Dân trí) - “Hàng lậu, hàng trốn thuế trên tàu là do hành khách mua vé đi từ ga Đồng Đăng về Lạng Sơn có hành lý xách tay 20 kg miễn cước không qua kiểm tra tại ga Đồng Đăng nên tổ làm nhiệm vụ trên tàu không thể biết đó là hành lý hay hàng lậu…”

Liên quan đến hơn 20 tấn hàng hóa trên chuyến tàu ĐĐ4 mà cơ quan chức năng thu giữ hôm 6/1 bị cho là hàng lậu vận chuyển từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) về Hà Nội, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bính - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội.
 
Đúng quy trình nhưng vẫn có… hàng lậu
 
Ông có ý kiến gì về hơn 20 tấn hàng được vận chuyển trên tàu ĐĐ4 bị cơ quan chức năng tạm giữ điều tra vì cho là hàng lậu?
 
Hôm xảy ra sự việc, tôi đã có mặt cả đêm ở ga Gia Lâm để phối hợp kiểm tra số hàng hóa mà cơ quan chức năng Hà Nội cho là hàng lậu vận chuyển từ Lạng Sơn về. Hơn 20 tấn hàng hóa đó bao gồm: quần áo, vải vóc, nồi niêu, máy sưởi…
 
Tôi cho rằng không thể coi đó là hàng lậu, vì trước khi đưa lên tàu số hàng này đã được kiểm tra tính pháp lý đầy đủ theo quy trình quy định về vận tải hành khách, hàng hóa trên đường sắt Quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, theo Luật Đường sắt Việt Nam (ĐSVN).
 
“Hàng lậu trên tàu có nguồn gốc từ hành lý xách tay”!? - 1
Số hàng hóa trên tàu ĐĐ4 bị cơ quan chức năng Hà Nội tạm giữ để điều tra.
 
Vậy quy trình vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt được thực hiện như thế nào thưa ông?
 
Hành khách đến ga tàu mang theo khối lượng hành lý lớn hơn 20 kg miễn cước thì phải mua vé cước bổ sung cho hành lý. Đối với hành khách nào muốn vận chuyển hàng hóa thì phải có đăng ký xin vận chuyển và tự chịu trách nhiệm về việc kê khai hàng hóa, kê khai hành lý bao gửi tại ga làm cước vé, nhà ga sẽ dán thẻ cân hàng đầy đủ theo quy định.
 
Ga Đồng Đăng là 1 ga biên giới giáp với Trung Quốc, để giải quyết quy trình này cho đúng thì ĐSVN đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh này giao cho huyện Cao Lộc chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, chống vận chuyển hàng lậu và gian lận thương mại tại ga Đồng Đăng.
 
Tổ Công tác Chống vận chuyển hàng hóa buôn lậu và gian lận thương mại tại ga Đồng Đăng bao gồm lực lượng liên ngành thuế, công an, biên phòng, ga Đồng Đăng và đội tàu Hà Lạng.
 
Theo đó, hành khách có hành lý hay hàng hóa cần vận chuyển thì phải được sự đồng ý của tổ liên ngành, sau khi hàng hóa được xác nhận có đầy đủ các thủ tục đăng ký thì ga mới bán cước, vì vậy hàng hóa đã được bán cước tại ga Đồng Đăng không thể gọi là hàng lậu.
 
Nhưng thực tế kiểm tra cho thấy rõ ràng là có hàng lậu trên tàu, ông giải thích như thế nào về điều này?
 
Việc có hàng lậu, hàng hóa trốn cước, trốn thuế trên tàu là do hành khách mua vé đi tàu từ ga Đồng Đăng về Lạng Sơn có hành lý xách tay 20 kg miễn cước không qua kiểm tra của tổ liên ngành tại ga Đồng Đăng nên nhân viên tổ tàu không thể biết đó là hành lý hay hàng lậu.
 
Số lượng hành khách này rất lớn, họ xách tay hàng hóa lên tàu theo quy định của ngành đường sắt, khi đến ga Lạng Sơn thì họ xuống tàu và bán lại cho các đầu nậu gom hàng có vé đang ở trên tàu về Hà Nội.
 
Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, cổng ngõ, tường rào bao quanh ga Đồng Đăng quá thấp không có tác dụng ngăn chặn các đối tượng mang vác hàng hóa trốn thuế, trốn kiểm tra, kiểm soát bằng nhiều đường tắt, vứt qua tường rào để vào ga rồi câu móc hàng lậu tuồn qua các cửa sổ toa đưa lên tàu (phía cửa sổ không đón khách).
 
Ngoài ra, Nhà nước ta có chính sách ưu đãi cho nhân dân biên giới được mua miễn thuế 2 triệu hàng hóa/người/ngày từ Trung Quốc về thì phải có giải pháp để quản lý lượng hàng hóa đó, chống gian lận thương mại, còn nếu cứ “thả cửa” ưu đãi thì hàng lậu dễ dàng về nội địa Việt Nam, chống chỗ này sẽ bị phình chỗ khác.
 
Tổ tàu tiếp tay cho buôn lậu?
 
Tại sao vào thời điểm lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra ĐĐ4, có vẻ như cả 4 toa tàu đã được dỡ ghế đi để chất hàng lậu thưa ông?
 
Tôi khẳng định là không bao giờ có chuyện bóc dỡ ghế để chất hàng hóa. Đó là toa tàu ghế dọc, khi người ta chất để hàng hóa lên ghế thì không thể nhìn thấy ghế nữa nên tưởng là ghế đã bị bóc. Ngành đường sắt chưa bao giờ và không bao giờ bóc ghế để chất hàng.
 
“Hàng lậu trên tàu có nguồn gốc từ hành lý xách tay”!? - 2
Công khai tuồn hàng lậu vào ga Đồng Đăng - Lạng Sơn (ảnh: TPO)
 
Quy định vận tải chặt chẽ, nhiều biện pháp an toàn - an ninh trật tự được thực hiện nhưng hàng lậu vẫn có trên tàu, phải chăng có sự tiếp tay của tổ tàu?
 
Chúng tôi không loại trừ trường hợp nhân viên ngành đường sắt, tổ tàu không làm đúng trách nhiệm để cho hàng lậu lên tàu. Hiện chúng tôi đang chờ phân loại hàng hóa thu được trên tàu ĐĐ4 tại kho của công an để kiểm kê hàng có cước, hàng trốn thuế, hàng lậu và quy trách nhiệm của từng nhân viên để xảy ra sai sót.
 
Đây không phải chuyện nhỏ, nếu phát hiện nhân viên bao hàng, bao khách, thu tiền trên 300.000 đồng sẽ bị xử lý nghiêm bằng nhiều hình thức kỷ luật, trong đó cao nhất buộc thôi việc kể cả trưởng tàu.
 
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và ngược lại được xem là trọng điểm về tình hình buôn lậu và gian lân thương mại, ngành đường sắt có những biện pháp ngăn chặn như thế nào, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2011?
 
Sau khi làm rõ các lô hàng có tính chất buôn lậu và gian lận thương mại vận chuyển trên tàu ĐĐ4 bị tạm giữ hôm 6/1, chúng tôi sẽ làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn và huyện Cao Lộc đề nghị có những biện pháp ngăn chặn hàng lậu ngay tại điểm đầu ga. Nếu như Lạng Sơn không làm cho tình hình tốt hơn thì có thể chúng tôi sẽ không chạy tàu tuyến Hà Nội - Lạng Sơn.
 
Liên quan đến sự việc tàu ĐĐ4 hôm 6/1, Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội đã báo cáo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải về vụ việc này.
 
Xin trân trọng cám ơn ông!
 
Quỳnh Anh (thực hiện)