1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng không Việt chấp chới trên con đường phục hồi "sóng gió"

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Sau hai năm bị Covid-19 "quật ngã", hàng không nội địa đang trên đà phục hồi nhưng thị trường quốc tế vẫn nhiều rủi ro, điều này khiến cho "sức khỏe" của các hãng vận chuyển chưa thể vực dậy.

"Sức khỏe" ngành hàng không hiện ra sao?

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vận tải quý I năm nay đã chứng kiến mạnh mẽ đà tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021, thoát khỏi đà suy thoái và cán mốc gần 9 triệu khách đi/đến trong quý I. Dịp Giỗ Tổ và kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đã mang đến lượng khách tăng trưởng mạnh mẽ, cao hơn cùng kỳ năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch - PV). 

Đáng chú ý, ngành hàng không và du lịch Việt Nam đã được mở cửa trở lại hoàn toàn bằng các quyết định của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Các hàng rào với du khách quốc tế đến nay cũng được dỡ bỏ, bao gồm cả giấy test Covid-19 khi nhập cảnh. Các hãng ồ ạt mở lại đường bay quốc nội và quốc tế nhằm lấy lại những gì đã mất suốt hơn 2 năm qua.

Hàng không Việt chấp chới trên con đường phục hồi sóng gió - 1

Khách đi máy bay trong nước đã phục hồi sau 2 năm đại dịch (Ảnh: NQ).

Với các đường bay quốc nội, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hầu như đã phục hồi. Tuy nhiên, xét về doanh thu thì tại thời điểm này, lãnh đạo một hãng hàng không cho biết: "Trước mắt cần phải mở lại các đường bay để có đủ slot, giữ thị phần vốn có. Hiện chưa phải là lúc tính toán lợi nhuận và không phải mở đường bay là có lợi nhuận. Nhiều đường bay ngách đi các tỉnh phải bù lỗ do giá nhiên liệu quá cao, tỷ lệ lấp đầy chuyến bay thấp dẫn đến thu không đủ bù chi".

Là hãng duy nhất đến thời điểm này báo lãi sau thuế 40 tỷ đồng trong 3.340 tỷ đồng doanh thu, Vietjet cho biết có được lợi nhuận chủ yếu từ doanh thu hoạt động tài chính. Trong quý I năm nay, tổng số chuyến bay và lượt khách của Vietjet đã đạt 50% và 55% so với tổng số của cả năm 2021, vận chuyển hàng hóa trong quý I đạt 12.500 tấn. 

Vietnam Airlines năm 2021 công bố đạt hơn 28.000 tỷ đồng doanh thu và lỗ lũy kế cả năm 12.337 tỷ đồng. 

Nói về tình hình quý I/2022, một lãnh đạo của Vietnam Airlines cho biết, cân đối giữa tốc độ phục hồi và chi phí đầu vào tăng mạnh, khó khăn trong việc mở lại thị trường quốc tế thì thực tế tốc độ phục hồi không thấm vào đâu so với những rủi ro, khó khăn vẫn hiện hữu. 

"Thị trường quốc tế của hãng chiếm khoảng 65% doanh thu của chúng tôi nhưng phục hồi rất chậm, cộng với giá dầu 3 tháng đầu năm tăng thẳng đứng đã làm tăng thêm khó khăn chồng chất trong giai đoạn đầu phục hồi của các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines" - lãnh đạo của Vietnam Airlines nói.

Hàng không Việt chấp chới trên con đường phục hồi sóng gió - 2

Ngành hàng không nội địa đang phục hồi nhưng các đường bay quốc tế được mở lại vẫn rất nhiều khó khăn (Ảnh: Mạnh Quân).

Rõ ràng, "sức khỏe" của các hãng hàng không chưa thể vực dậy, các hãng không thể cân đối và có lãi ngay giai đoạn đầu phục hồi và hệ quả của 2 năm chìm trong thua lỗ. 

Đường bay quốc tế vẫn gập ghềnh sóng gió 

Hiện nay, dù thị trường quốc tế đang được khôi phục, nhưng hoạt động khai thác hàng không và du lịch vẫn đang trong tình cảnh "đánh đu" với quy định thực tế của nước sở tại. Trong khi đó, giá nhiên liệu bay tăng liên tục khiến tình hình bay quốc tế thêm những khó khăn. 

Đại diện một công ty du lịch cho biết, cách đây một tháng, khi các đường bay Hàn Quốc, Nhật Bản được mở trở lại, thậm chí đảo Jeju (Hàn Quốc) quyết định miễn thị thực cho khách Việt và một số nước đến đây 15 ngày nhưng vẫn yêu cầu test Covid-19 khi nhập cảnh. Nếu dương tính, khách sẽ phải cách ly và nếu không có visa thì không xác định được chuyến bay rời đảo do máy bay thương mại từ Việt Nam chưa bay đến đây; cùng với nhiều khó khăn khác nên công ty du lịch này vẫn ngồi chờ. 

Hàng không Việt chấp chới trên con đường phục hồi sóng gió - 3

Hoạt động bay quốc tế chưa mang lại kết quả tích cực do vẫn chịu ảnh hưởng từ đại dịch (Ảnh: Mạnh Quân).

Đặc biệt, thị trường hàng không quốc tế lớn nhất là Trung Quốc hiện vẫn "cửa đóng then cài" do nước này theo đuổi chiến lược "Zero Covid", hiện các hãng hàng không cũng chưa khai thác được gì. 

Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã kiến nghị với Chính phủ về khó khăn của ngành hàng không. Giai đoạn đầu năm 2022, do các bất ổn về tình hình chính trị thế giới, giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao đột biến và đến cuối tháng 3/2022, giá lại tiếp tục tăng cao. Theo tính toán của Cục Hàng không chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí và các yếu tố khác không có biến động thì chi phí nhiên liệu tháng 4/2022 của các hãng tăng 65% so với tháng 12/2014 và tăng 84% so với tháng 9/2015, nói cách khác thì đây là chi phí nhiên liệu tác động làm tăng hơn 30% tổng chi phí của các hãng.

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Cục Hàng không đưa ra dẫn chứng, với tần suất bay như của Vietjet và Vietnam Airlines bình quân khoảng 400 chuyến nội địa/ngày thì chi phí nhiên liệu đã vào khoảng 3.200-3.300 tỷ đồng/quý, chiếm hơn 30% tổng chi phí.

Theo đại diện Cục Hàng không, đến thời điểm này, hoạt động vận tải hàng không giảm được lỗ đã là tín hiệu đáng mừng, còn có lãi thì khó hơn... lên trời.