1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng chục tên đường ở TPHCM ghi sai tên nhân vật lịch sử

Quốc Anh

(Dân trí) - TPHCM hiện có đến 38 tên đường được đặt không chính xác với tên nhân vật lịch sử, do nhiều nguyên nhân.

Sở Văn hóa và Thể thao vừa báo cáo UBND TPHCM kết quả nghiên cứu của "Đề án Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020".

Theo đó, hiện trên địa bàn TPHCM có 38 tên đường không chính xác; đã lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử TP để có cơ sở khoa học đề xuất chỉnh sửa.

Hàng chục tên đường ở TPHCM ghi sai tên nhân vật lịch sử - 1

Đường Kha Vạn Cân (sau năm 1982, chính quyền huyện Thủ Đức cũ đặt tên là Kha Vạn Cân) có tên đúng là Kha Vạng Cân

Cụ thể, có 5 đường gắn bảng sai tên nhân vật lịch sử so với quyết định của UBND TPHCM, gồm: Bùi Hữu Diện, Đoàn Minh Triết, Đỗ Quang Cơ, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Trọng Trí. 

Tên đúng theo quyết định của UBND TPHCM lần lượt là Bùi Hữu Diên, Đoàn Triết Minh, Đỗ Cơ Quang, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Trọng Trì.

Sở Văn hoá và Thể thao đề xuất Sở Giao thông vận tải TP điều chỉnh lại bảng tên đường cho đúng với tên nhân vật lịch sử theo quyết định của UBND TP.

Hàng chục tên đường ở TPHCM ghi sai tên nhân vật lịch sử - 2

Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất Sở Giao thông vận tải TP điều chỉnh lại bảng tên đường cho đúng với tên nhân vật lịch sử theo quyết định của UBND TPHCM

Có 6 đường sai do quyết định của UBND TPHCM sai họ tên nhân vật lịch sử, gồm: Dương Tự Quán (tên đúng là Dương Tụ Quán); Phan Khiêm Ích (tên đúng Phạm Khiêm Ích); Lê Đình Quản (tên đúng Nguyễn Đình Quản); Hoàng Xuân Hoành (tên đúng Hoàng Xuân Hành); Phạm Thị Hối (tên đúng Phan Thị Hối); Raymondienne (tên đúng Raymonde Dien).

Sở Văn hoá và Thể thao kiến nghị UBND TPHCM có quyết định điều chỉnh lại cho chính xác theo tên nhân vật.

Ngoài ra, TPHCM cũng tồn tại 8 đường mà các nhân vật lịch sử được đặt tên không chính xác, cần điều chỉnh cho đúng, như: Kha Vạn Cân (sau năm 1982, chính quyền huyện Thủ Đức cũ đặt tên là Kha Vạn Cân) có tên đúng là Kha Vạng Cân; Lương Nhữ Học - Lương Như Hộc; Trương Quốc Dung - Trương Quốc Dụng; Hoàng Đức Tương - Hoàng Đức Lương; Nguyễn Duy Dương - Võ Duy Dương; Nguyễn Văn Tráng - Phạm Văn Tráng...

Nhóm này được đề xuất trình HĐND TPHCM đổi tên đường cho chính xác theo các tên nhân vật lịch sử. 

TPHCM có 19 tên đường các nhân vật lịch sử được gọi theo phương ngữ và lệ kỵ húy. Sở Văn hoá và Thể thao TP đề xuất giữ nguyên các tên đường đang hiện hữu để tránh xáo trộn, gây ảnh hưởng đến người dân.

Một số đường thuộc nhóm trên như: Tôn Đản là tên khác của nhân vật Tông Đản; Hà Tôn Quyền - Hà Tông Quyền; Lê Thánh Tôn - Lê Thánh Tông; Nơ Trang Long - N'Trang Lơng; Trần Khắc Chân - Trần Khát Chân; Lê Đại Hành - Lê Hoàn; Ngô Thời Nhiệm - Ngô Thì Nhậm...

Đối với nhóm 19 tên đường này, Hội Khoa học lịch sử TPHCM cho rằng, điều chỉnh là không cần thiết vì không sai nghĩa gốc, cách đọc có thể xem là đặc trưng văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Gia Định nói riêng, Nam bộ nói chung, vốn gắn liền với công lao nhà Nguyễn...

Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị thay thế đường Trương Đình Hợi được bằng tên khác vì trong lịch sử không có nhân vật mang tên này và ở quận 8 đã có đường Trương Đình Hội.