Thanh Hóa:
Hàng chục giấy phép lái xe vi phạm được trả trước nhờ “quan hệ thân quen”
(Dân trí) - Trả trước hàng chục xe vi phạm khi chưa đến hạn, ký trước hàng loạt đề xuất trả giấy phép lái xe không đề ngày tháng - Đó là thực trạng đang diễn ra tại cơ quan Thanh tra Giao thông - Sở GTVT Thanh Hóa.
Thời gian gần đây, một số chủ doanh nghiệp, lái xe tỏ ra bất bình trước quy trình xử lý xe vi phạm “bát nháo” của một vài cán bộ Thanh tra giao thông (TTGT) – Sở GTVT Thanh Hóa.
Theo phản ánh của họ, nếu có “quan hệ”, những chiếc xe vi phạm sẽ dễ dàng được lấy ra chỉ sau vài ngày đến 1 tuần; còn những đối tượng không có “quan hệ” sẽ bị gây phiền hà, khó khăn…
Đúng như phản ánh, khi PV tiếp cận với 5 bộ hồ sơ vi phạm và bị xử lý cả hai hình thức là phạt tiền và tước giấy phép lái xe (GPLX); trong 5 trường hợp có đến 3 trường hợp TTGT Thanh Hóa làm sai quy trình.
Trường hợp lái xe Hoàng Văn Thụy, trú tại huyện Yên Mô (Ninh Bình) có chiếc xe BKS 29C-32492, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1985 ngày 21/11/2014, tước GPLX từ ngày 19/11/2014 đến ngày 19/1/2015. Thế nhưng, lái xe đã được trả trước hạn nhiều ngày mà theo lãnh đạo TTGT thì không rõ trả trước bao nhiêu ngày vì giấy đề xuất trả không ghi ngày tháng.
Tương tự, trường hợp lái xe Lê Văn Chung, trú tại huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), xe BKS 36N-2190, Quyết định xử phạt VPHC số 32 ngày 12/12/2014, tước GPLX từ ngày 10/12/2014 đến ngày 10/2/2015. Ngày 17/12/2014, ông Trần Văn Trường – Đội TTGT số 3 thuộc TTGT tỉnh Thanh Hóa đã có Đề xuất “Không xử lý hình phạt bổ sung” đối với trường hợp này và đã được chấp thuận trả lại GPLX trước hạn (chỉ bị tước 7 ngày, trả trước 53 ngày).
Điều lạ lùng là trong Biên bản Đề xuất trả lại GPLX trường hợp Lê Văn Chung và Hoàng Văn Thụy đều bỏ trống phần ghi ngày tháng, phần chữ ký của Đội Tuyên truyền và Xử lý, chỉ có chữ ký của Lãnh đạo duyệt nhưng không ghi rõ họ tên, không đóng dấu.
Về việc trả GPLX trước hạn, ông Lê Văn Lương, Phó Chánh Thanh tra- Sở GTVT Thanh Hóa thừa nhận: “Đúng là trong quá trình xử lý có những trường hợp TTGT đã trả trước thời hạn GPLX. Tuy nhiên quy trình trả trước vẫn phải đảm bảo. Đó là phải có biên bản đề xuất trả trước GPLX có chữ ký của lãnh đạo là tôi và anh Minh (ông Trịnh Ngọc Minh – Chánh thanh tra) thì mới được trả”.
Một giấy đề xuất thể hiện sự "xin xỏ" của cán bộ TTGT
“Những trường hợp được trả trước thường là họ có giấy, thư viết đề xuất trường hợp linh động người nhà. Như thế này thì cũng không đúng, là trách nhiệm của anh em chúng tôi, anh Minh, tôi có linh động trong vài trường hợp nên có thể còn thời hạn khoảng mươi ngày nửa tháng. Còn về tư lợi, bỏ lỗi, tiêu cực là không có, mà là do nể nang, cấp trên, người trong cơ quan, mối quan hệ bên ngoài...” – ông Lương cho biết thêm.
Cũng theo ông Lương thì trong năm 2014 TTGT tước GPLX và các loại giấy phép khác hàng nghìn trường hợp, chỉ trả trước vài chục trường hợp thì cũng không nhiều.
Về việc ký trước và ký hàng loạt Biên bản đề xuất trả GPLX, ông Lương cho hay: “Không phải lúc nào anh em cũng trực để ký. Vì vậy bộ phận xử lý một tuần khoảng hai lần, vài ba ngày tập hợp mươi, mười lăm cái gần đến hạn trả để trình lãnh đạo duyệt ký trước để lái xe đến lấy, tránh việc lắt nhắt. Có thể ký trước một hai ngày nhưng đến ngày anh em mới trả. Trường hợp cả 3 người (Chánh thanh tra và hai Phó chánh thanh tra-PV) đều đi vắng mà đến hạn trả, cán bộ xử lý điện thoại xin ý kiến, được lãnh đạo đồng ý trả nhưng Biên bản Đề xuất trả GPLX phải được ký ngay trong ngày trả”.
Theo tìm hiểu của PV, trong hai tháng 11 và 12/2014, đã có gần 20 trường hợp TTGT Thanh Hóa cố tình vi phạm quy trình xử lý vi phạm hành chính trong xử phạt xe quá khổ quá tải. Như vậy, số lượng đối tượng được trả trước GPLX trong hai tháng lên đến hàng chục, vậy tính trong cả năm 2014 con số này phải cao hơn rất nhiều lần?
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Hải, Phó Giám đốc kiêm phát ngôn báo chí- Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: "Về sự việc trên, Sở chưa nắm được. Sau khi nhận được thông tin phản ánh sẽ cho kiểm tra và yêu cầu những người có liên quan tường trình sự việc".
Bình Minh