Thanh Hóa:
Hàng chục dân nghèo hoang mang vì “bỗng dưng” mắc nợ
(Dân trí) - Hơn 70 lao động ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nga, 16 người trong số đó đã đóng phí 40 triệu đồng/người. Đóng tiền xong, công ty môi giới nói không đi được. Dân nghèo hoang mang vì mang nợ lớn.
Tưởng thoát nghèo, hóa mang nợ
Theo phản ánh của người dân thôn Ngán Sen, xã Điền Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 5/2009, theo chủ trương của chính quyền huyện Bá Thước, nhiều người dân nơi đây đã đăng ký đi xuất khẩu lao động với mong muốn thoát nghèo. Trong đó riêng thôn Ngán Sen có 8 lao động.
Sau khi các lao động vượt qua vòng khám sức khỏe, Trung tâm XNK đầu tư xây dựng Thăng Long, thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long (sau đây gọi tắt là công ty Thăng Long) tổ chức làm hộ chiếu, học tiếng và học nghề may tại Trung tâm dạy nghề huyện Bá Thước. Sau hơn 4 tháng học nghề, đến ngày 5/9, các lao động làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bá Thước rồi chuyển thẳng tiền vào tài khoản của công ty Thăng Long.
Khi đã nhận được tiền, phía công ty Thăng Long hứa chậm nhất đến ngày 20/9/2009, những lao động này có thể xuất cảnh. Tuy nhiên hết thời hạn trên, người lao động đến tìm gặp thì phía công ty cho biết không có đối tác và hẹn đến ngày 24/9 sẽ trả lại tiền cho người lao động.
Một mặt hứa trả lại tiền cho người lao động, mặt khác công ty Thăng Long giới thiệu một vài đối tác khác vào liên hệ nhưng người lao động không chấp nhận.
Anh Bùi Văn Chỉnh ở thôn Ngán Sen bất bình: “Hai vợ chồng tôi mới cưới nhau đang phải ở nhờ nhà bố mẹ, ruộng không có, cuộc sống nghèo đói quanh năm, thấy thông báo của các cấp chính quyền địa phương và được tư vấn tuyển dụng lao động theo chương trình 30a nên tôi cũng đánh liều vay vốn ngân hàng tham gia. Theo tư vấn của công ty đi lao động là để thoát nghèo, ai ngờ giờ lại mang nợ thế này”.
Không riêng gì anh Chỉnh, 16 lao động khác đã đóng tiền cũng hoang mang không kém vì “bỗng dưng” vướng vào khoản nợ ngân hàng lên tới 40 triệu đồng không có khả năng thanh toán. Đó là chưa kể các khoản học phí, tiền ăn ở đi lại, làm hộ chiếu…
Có gia đình cả 2 người cùng đăng ký đi, vay nợ ngân hàng lên tới 80 triệu đồng.
“Chúng tôi đã làm rất bài bản” (!)
Được biết sau khi công ty Thăng Long về địa phương liên hệ, UBND huyện Bá Thước đã giao cho Hội Nông dân huyện đứng ra làm trung gian phối hợp tư vấn cho người dân. Từ tháng 5/2009, cả phía công ty và Hội Nông dân huyện cùng phối hợp tổ chức họp bàn và thông báo rộng rãi trong nhân dân. Hội Nông dân còn thành lập hệ thống cộng tác viên xuống tận các cơ sở để tuyên truyền vận động người dân tham gia.
Trao đổi với Dân trí, ông Cao Xuân Bằng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bá Thước, cho biết: Chúng tôi đã làm rất bài bản, nhưng không ngờ rằng sau khi đào tạo xong chỉ có 3 lao động đi được, số còn lại không có khả năng đi nữa. Chúng tôi đang làm công tác tư tưởng cho người lao động. Hiện tại chúng tôi cũng đang tìm cách liên hệ với công ty trả lại tiền cho người lao động”.
Ông Bằng cho biết thêm trong đợt vừa qua có tổng số 71 lao động địa phương tham gia khoá đào tạo nghề may để đi xuất khẩu sang Nga, mỗi lao động học nghề phải đóng 500 ngàn tiền học phí.
Duy Tuyên