1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hạn, mặn có thể kéo dài đến giữa năm, Sài Gòn nguy cơ thiếu nước sạch

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của El Nino nên khu vực Nam bộ ít mưa, hạn mặn kéo dài. Đồng thời, trữ lượng nước hệ thống hồ đầu nguồn suy giảm mạnh nên có nguy cơ sẽ thiếu nước để giúp sông Sài Gòn đẩy mặn, dẫn đến khả năng thiếu nước sạch cho cư dân thành phố.

Công ty khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa vừa kết thúc đợt xả nước giúp sông Sài Gòn đẩy mặn thứ 5 kể từ đầu năm đến nay. Đợt xả này kéo dài 3 ngày, với lưu lượng 30 m3/giây. Nhờ có những đợt xả nước này mà các nhà máy nước tại TPHCM mới đảm bảo nguồn nước hoạt động.

Từ đầu năm đến nay, tuy hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa vẫn đều đặn xả nước đẩy mặn giúp sông Sài Gòn nhưng nhiều thời điểm lưu lượng nước thấp hơn so với yêu cầu, không đẩy mặn đáp ứng yêu cầu hoạt động của các nhà máy nước.

Hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa xả nước giúp sông Sài Gòn đẩy mặn
Hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa xả nước giúp sông Sài Gòn đẩy mặn

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Thanh Giang – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn nặng nề trong những ngày đầu năm 2016 khiến độ mặn nước sông Sài Gòn thường xuyên vượt ngưỡng 250 mg/lít, vượt quá tiêu chuẩn xử lý nước sạch. Những lúc độ mặn vượt ngưỡng, các nhà máy nước phải ngưng lấy nước thô để xử lý.

Theo ông Giang, Từ đầu năm đến nay có hai đợt cao điểm buộc nhà máy nước Tân Hiệp phải ngưng lấy nước từ 1 – 2 ngày. Đợt trước Tết, mỗi ngày phải ngưng bơm 10 tiếng và đợt sau Tết cũng ngưng bơm 5 tiếng/ngày. Những lúc đó, Sawaco phải điều tiết nguồn nước thô và nước trên mạng phân phối để đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

Ông Giang cho biết, để ứng phó với tình hình nhiễm mặn của sông Sài Gòn, nhà máy nước Kênh Đông đã phải tăng công suất để bù cho nhà máy nước Tân Hiệp. Tại một số khu vực có nguy cơ yếu nước như quận 6, Bình Tân, huyện Bình Chánh, công ty phải tăng cường hệ thống xe bồn cấp nước.

Trao đổi cùng PV Dân trí trong ngày 13/3, ông Giang lo ngại trong thời gian tới việc đảm bảo hoạt động của một số nhà máy nước sẽ gặp khó khăn khi hạn mặn có thể kéo dài đến hết tháng 6. Trong khi đó, hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa chỉ đạt trữ lượng nước khoảng 70% so với mọi năm, hồ Trị An cũng chỉ đạt khoảng 80%. Bất lợi kép này dẫn đến nguy cơ hệ thống hồ đầu nguồn có thể không đủ nước giúp sông Sài Gòn đẩy mặn.

“Dự kiến, từ đây đến hết tháng 6 xuất hiện từ 4 – 8 đợt cao điểm bị nhiễm mặn, tùy thuộc vào gió mùa. Nếu đợt triều cường trùng với gió mùa thì có khả năng xảy ra 8 đợt cao điểm nhiễm mặn, ngược lại thì có thể xảy ra 4 đợt”, ông Giang nói.

Trước tình hình trên, Sawaco đã đề xuất chủ trương xây hồ chứa tại huyện Củ Chi. Hồ chứa này sẽ lấy nước từ sông Sài Gòn để dự trữ, ít nhất là đảm bảo cấp nước cho nhà máy nước Tân Hiệp đủ hoạt động trong 1 ngày.

“Trong tương lai, Sawaco sẽ phải tối ưu lại công nghệ để sẵn sàng ứng phó với tình hình nhiễm mặn. Đồng thời, tăng cường khả năng trữ nước tại nhà máy và trên mạng cung cấp nước. Phải khôi phục, duy trì các giếng lẻ để trữ nước. Còn nếu đủ điều kiện hơn thì chúng tôi sẽ triển khai dự án lấy nước từ thượng nguồn hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng về để xử lý”, ông Giang cho biết.

Quốc Anh

Hạn, mặn có thể kéo dài đến giữa năm, Sài Gòn nguy cơ thiếu nước sạch - 2