1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hạn hán khốc liệt, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Hạn hán đang ảnh hưởng trên toàn tỉnh Cà Mau, trong đó nặng nhất tại các huyện Trần Văn Thời và U Minh. Tỉnh này quyết định công bố tình huống khẩn cấp để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

Ngày 15/4, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa công bố tình huống khẩn cấp hạn hán trên địa bàn tỉnh.

Hạn hán đang ảnh hưởng trên toàn tỉnh Cà Mau, trong đó nặng nhất tại các huyện Trần Văn Thời và U Minh. Chỉ tính riêng huyện Trần Văn Thời đã xuất hiện hơn 600 điểm sụt lún, sạt lở nằm trên 132 tuyến kênh, với tổng chiều dài hơn 15.890m.

Hạn hán khốc liệt, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp - 1

Tuyến đường giao thông bị sụt lún ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) do ảnh hưởng hạn hán (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt hóa huyện U Minh và Trần Văn Thời xuống mức thấp, khô cạn.

Trong khi đó, 2 ngày đầu tháng 4 trong tỉnh xuất hiện mưa trái mùa cục bộ với lượng mưa nhỏ đến mưa vừa, thời gian còn lại không mưa, ngày nắng. Tổng lượng mưa tại các trạm đo ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm 75-100%.

Tỉnh này dự báo, trong vài ngày tới có khả năng xuất hiện mưa trái mùa cục bộ ở diện hẹp, với lượng mưa nhỏ. Mực nước trên các kênh, rạch tiếp tục xuống thấp, một số kênh lớn còn nước sẽ dần khô cạn.

Tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh còn kéo dài đến hết tháng 4, qua đầu tháng 5. Mùa mưa năm 2024 có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 5.

Thời gian tới Cà Mau khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa và đi lại; thiếu nước ngọt phục vụ đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp.

Hạn hán khốc liệt, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp - 2

Nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn Cà Mau đã cạn nước (Ảnh: Huỳnh Hải).

Trước tình hình hạn hán khốc liệt, Cà Mau đưa ra các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó như: Xác định các khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, triển khai các giải pháp phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình; tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Tập trung rà soát các tuyến giao thông ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, sụt lún để lắp đặt các biển cảnh báo và triển khai biện pháp phù hợp nhằm giảm tối đa thiệt hại; huy động nhân dân tham gia phòng, chống thiệt hại do sụt lún, sạt lở đất và khắc phục những vị trí có nguy cơ đe dọa an toàn đến người và phương tiện trong quá trình lưu thông.

Rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết; đồng thời, khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.