1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Nước là nguồn tài nguyên quý và hữu hạn

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Chúng ta phải thống nhất nhận thức Việt Nam là một quốc gia không phải thừa nước. Và nước là hữu hạn nên việc sử dụng cần có hành động tương xứng".

"Việt Nam là quốc gia thiếu nước hay thừa nước? Đây là câu hỏi chúng ta đặt ra rất nhiều lần. Và ở thời điểm hiện nay phải khẳng định rằng chúng ta là một quốc gia thiếu nước", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp nói tại Lễ phát động Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tổ chức tại Cà Mau ngày 9/4.

92% dân số nông thôn đã có nước sạch hợp vệ sinh

Nước là nguồn tài nguyên quý và hữu hạn - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát động tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tổ chức tại Cà Mau (Ảnh: C.L).

Theo Thứ trưởng Hiệp, hàng năm tuần lễ này được phát động từ 29/4 đến 6/5. Năm nay Bộ tổ chức sớm vì chúng ta đang ở trong cao điểm hạn mặn, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đến nay, cả nước có 92% dân số nông thôn đã có nước sạch hợp vệ sinh. Đây là con số rất lớn so với các quốc gia trên thế giới. 

Con số trên khả quan nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện nay chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu tạo ra những câu chuyện không thể lường trước được, ảnh hưởng trực tiếp đến nông thôn, nhất là nước sạch và vệ sinh môi trường.

Sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung, trong đó có nông thôn dẫn đến việc quy hoạch và thực hiện không đúng quy hoạch, khiến áp lực về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng lớn hơn.

Thêm nữa, nhu cầu cuộc sống cao hơn trước nên nhu cầu về nước cũng cao hơn. 92% hộ gia đình có nước hợp vệ sinh nhưng tỷ lệ nước đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn chỉ có 57%.

"Chúng ta vẫn còn 43% người dân nông thôn chưa có nước hợp quy chuẩn quốc gia", ông Hiệp trăn trở và cho rằng để đảm bảo bình đẳng trong sử dụng nước thì người thành phố hay nông thôn đều phải có nước hợp quy chuẩn. 

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL có hơn 50.000 hộ dân thiếu nước sạch và phải sử dụng rất nhiều giải pháp để đảm bảo có nước sinh hoạt. Chỉ tính riêng tỉnh Cà Mau còn hơn 4.000 hộ.

Nước là nguồn tài nguyên quý và hữu hạn - 2

Lực lượng chức năng cung cấp nước sạch cho người dân ở Cà Mau (Ảnh: CTV).

"Chúng ta phải thống nhất nhận thức Việt Nam là một quốc gia không phải thừa nước. Và nước không phải vô hạn, nước là hữu hạn nên việc sử dụng nước cần có hành động tương xứng. Đây là nhận thức rất quan trọng", ông Hiệp nhấn mạnh.

Không để một trẻ em nông thôn nào thiếu nước sạch 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị cấp ủy, chính quyền tiếp tục đầu tư và hành động cụ thể hướng đến việc đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận bình đẳng, công bằng về nước sạch, môi trường. Đặc biệt, không để một trẻ em nào ở nông thôn không có nước sạch, không có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Với những hộ dân không thể cấp được nước sạch, ông Hiệp đề nghị cần có giải pháp cấp nước không tập trung bằng bể nước. Chẳng hạn như ĐBSCL mỗi gia đình phải có tối thiểu 4 khối nước để ít nhất 2-3 tháng hạn có nước sinh hoạt bình thường.

Ông Maharajan Muthu, Trưởng chương trình vì Sự sống còn và phát triển trẻ em (UNICEF Việt Nam), cho biết qua khảo sát năm 2020-2021 đo lường các chỉ số SDG (mục tiêu phát triển bền vững) cho trẻ em và phụ nữ đã phát hiện ra những khoảng trống trong quản lý an toàn nước và vệ sinh, đặc biệt là chất lượng nước uống.

Nước là nguồn tài nguyên quý và hữu hạn - 3

Ông Maharajan Muthu, Trưởng chương trình vì Sự sống còn và phát triển trẻ em (UNICEF Việt Nam), thông tin với báo chí (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo ông Muthu, ô nhiễm vi khuẩn E.coli (gây ra nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy) được tìm thấy trong nước uống của 41% thành viên hộ gia đình. Một con số gióng lên hồi chuông cảnh báo về thói quen vệ sinh kém, quản lý cấp nước và vệ sinh an toàn nói chung là một trong những thách thức còn tồn tại ở Việt Nam.

"Thiếu nước sạch an toàn và nhà tiêu không hợp vệ sinh là yếu tố quan trọng góp phần dẫn đến thực trạng cứ 5 trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam thì có 1 trẻ bị còi cọc suy dinh dưỡng; với trẻ em dân tộc thiểu số là 1/3 trẻ", ông Muthu thông tin.

Tại lễ phát động, ông Muthu nhấn mạnh, UNICEF cam kết hợp tác với Bộ NN&PTNT, các cơ quan chính phủ, địa phương, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển để giúp trẻ em, phụ nữ, gia đình ở vùng sâu vùng xa, dễ bị tổn thương tiếp tục tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường một cách an toàn, bền vững.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm