1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông

(Dân trí) - Để giảm ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng đề án hạn chế, kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân.

Ngày 18/8, lãnh đạo Thành phố Hà Nội làm việc với các sở ngành về việc tháo gỡ những vấn đề cấp bách, bức xúc đối với giao thông Thủ đô. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội nên hạn chế phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy,… lưu thông trên đường. Cùng với đó là tăng cường phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện.

Giảm xe máy, tăng ô tô giao thông càng thêm “nhọc nhằn”

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố có gần 3,8 triệu mô tô, xe máy và trên 372.000 xe ô tô (chưa kể phương tiện vãng lai có khoảng 50.000 xe). Riêng 6 tháng đầu năm 2011, công an Hà Nội đăng ký 28.000 xe ô tô  và hơn 150.000 xe mô tô.

Hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông - 1

Hình ảnh giao thông "đóng băng" trên đường rất phổ biến ở Hà Nội

Cũng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 365 vụ tai nạn giao thông, làm 337 người chết và 106 người bị thương. Thực tế, ý thức của người dân tham gia giao thông còn rất kém, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh (10 - 15%), dẫn đến việc kết cấu hạ tầng không theo kịp

Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, các dự án phục vụ giao thông triển khai lại rất chậm, nhiều dự án làm đến 20 năm. Chính vì vậy mà nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cho giao thông Thành phố. Điển hình là vấn đề các bãi trông giữ xe thường xuyên vi phạm về diện tích, thu cao hơn giá quy định…

Đại tá Thùy đề nghị: “Cần phải đưa ra giải pháp giảm phương tiện cá nhân lưu hành trên địa bàn Thủ đô. Giải pháp tốt nhất là tăng xe buýt, thu hút người dân đi phương tiện công cộng".

Sau khi nghe ý kiếm đóng góp của các ban ngành, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trực tiếp giao Sở GTVT chủ chì xây dựng đề án hạn chế, kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân bao gồm mô tô, xe máy, taxi, xích lô.

“Với sự gia tăng phương tiện cá nhân như hiện nay thì chúng ta đầu tư hạ tầng từ đường đi đến bãi đỗ bao nhiêu cũng không đủ. Xe máy giảm đi thì ô tô lại gia tăng nhanh. Bài toán phải đối mặt là ô tô chiếm diện tích lớn hơn rất nhiều xe máy”, ông Thảo phân tích.

Đầu tư đồng bộ

Theo Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông sở này đã phối hợp với Công an Thành phố sắp xếp lại 7 nút giao thông, chống xuống cấp nhiều tuyến đường, hiện đang thi công nhiều tuyến đường quan trọng.

Ngoài ra, để giảm tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, Hà Nội cũng đang nghiêm cứu xây dựng mới gần 10 cây cầu vượt tại các nút giao Chùa Bộc – Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc, đường Láng, Nguyễn Sơn – Nguyễn Văn Cừ; Bắc Thăng Long – Nội Bài vượt đường 69… Các cây cầu ở các nút giao này sẽ sử dụng kết cấu nhẹ, an toàn, thi công nhanh và sớm đưa vào khai thác.

Hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông - 2
Tốc độ gia tăng xe máy giảm trong khi đó ô tô lại tăng nhanh

Cải thiện việc đỗ xe lộn xộn như hiện nay, thời gian tới sẽ có khoảng 53 điểm đỗ mới được xây dựng. Để tận dụng diện tích chật hẹp trong nội thành, những điểm đỗ xe thông minh, cao tầng cũng đã được tính đến.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết, các dự án xây dựng đường giao thông vẫn sẽ được ưu tiên tiếp tục đầu tư xây dựng. “Đây là vấn đề tiên quyết nhất, có hạ tầng thì mới tổ chức được giao thông”, Chủ tịch nhận định.

Theo ông Thảo trước mắt sẽ tập trung vào việc cải tạo, xây dựng hệ thống giao thông trong nội đô như vành đai 1, 2, 3; các tuyến đường hướng tâm; nút giao và hệ thống giao thông tĩnh bãi đỗ xe cũng như hệ thống đường cho người đi bộ trên cao dưới thấp. Ngoài ra, sẽ đẩy nhanh tiến độ những tuyến đường sắt đô thị.

Quang Phong