Hai tỉnh giải phóng xong mặt bằng để nâng cấp cao tốc Cam Lộ - La Sơn
(Dân trí) - Lãnh đạo Quảng Trị và Thừa Thiên Huế kiến nghị sớm nâng cấp cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe. Các địa phương cơ bản đã giải phóng mặt bằng, đủ điều kiện để thi công nâng cấp tuyến cao tốc này.
Ngày 16/3, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn đã có chuyến kiểm tra thực địa tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cũng như kiểm tra dự án cao tốc Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ, nối Quảng Trị với Quảng Bình.
Kiểm tra tại tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nơi vừa xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị cần sớm lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng, bổ sung các biển báo về tốc độ, khoảng cách, cấm vượt, sóng viễn thông để hạn chế tai nạn.
Ngành giao thông cần nghiên cứu tổ chức giao thông lại tại các nút giao, bổ sung các điểm dừng khẩn cấp, lắp đặt hệ thống camera giám sát, camera xử phạt…
Tại buổi làm việc với đoàn công tác, đại diện lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều đề xuất, ý kiến, kiến nghị liên quan đến tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn trước thực trạng tuyến cao tốc này bộc lộ nhiều bất cập.
Lãnh đạo Quảng Trị và Thừa Thiên Huế kiến nghị sớm được nâng cấp tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe. Hiện các địa phương cơ bản đã giải phóng mặt bằng, đủ điều kiện để thi công nâng cấp tuyến cao tốc này.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết Bộ đã giao Ban Dự án đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng mở rộng cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe.
Do tình hình giao thông trên tuyến phức tạp, Bộ GTVT kiến nghị triển khai dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.
Bộ GTVT cũng đang kiến nghị Chính phủ bố trí từ nguồn thu và thực hiện đầu tư công trình theo lệnh khẩn cấp. Nếu được chấp thuận các cơ chế chính sách này, dự án sẽ triển khai khởi công vào cuối năm 2024 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những nỗ lực của 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trong việc giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, phối hợp các nhà thầu triển khai xây dựng các tuyến cao tốc.
Ông đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội của 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị ghi nhận lại những đề xuất, ý kiến, kiến nghị trong buổi làm việc, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp lại để sắp tới đoàn làm việc với Bộ GTVT và Chính phủ.
Qua buổi giám sát, đoàn công tác cũng đã rút ra nhiều vấn đề quan trọng trong việc xây dựng cao tốc là cần đồng bộ giữa kế hoạch, chiến lược, đầu tư có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả cả về trước mắt lẫn lâu dài, hiện đại và hiệu quả kinh tế...
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, được đưa vào khai thác từ ngày 1/1/2023. Giai đoạn 1 chỉ làm 2 làn xe không có con lươn ở giữa, ngoại trừ một số đoạn vượt làm 4 làn.
Từ khi đưa vào sử dụng, cao tốc này bộc lộ nhiều hạn chế, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân và lo lắng cho người tham gia giao thông.
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiểm tra tiến độ triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình.
Qua nghe báo cáo và kiểm tra thực tế tại hiện trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được của tỉnh Quảng Bình, Ban Quản lý dự án 6 và các đơn vị, địa phương, nhất là việc không để xảy ra khiếu kiện đông người và sáng kiến về sử dụng đất trong đào đắp công trình.
Để bảo đảm tiến độ dự án và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường, làm tốt công tác dân vận; quan tâm tiến độ và chất lượng khu tái định cư, bảo đảm cho các hộ dân "an cư lạc nghiệp".
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần đặc biệt lưu ý về khả năng thoát lũ, tránh việc biến tuyến đường thành "đê ngăn lũ", ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực; chú trọng chất lượng, hiệu quả việc bố trí thi công các cầu chui, đường dân sinh, hoàn trả mặt bằng…