Hai Thủ tướng Việt - Pháp hội đàm, chứng kiến hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(Dân trí) - Tối 3/11 (giờ Paris), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex đã hội đàm, chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp hai nước.
Phát triển quan hệ Việt - Pháp thành đối tác chiến lược
Thủ tướng Jean Castex bày tỏ vui mừng đón Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm chính thức Cộng hòa Pháp, đánh giá cao quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai nước và mức độ phát triển sâu rộng, đa dạng của quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam trong thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà Chính phủ Pháp và cá nhân Ngài Thủ tướng đã dành cho Đoàn cấp cao Việt Nam; đánh giá cao vai trò và vị thế của Pháp trong Liên minh châu Âu cũng như trên trường quốc tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ với Pháp trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, mong muốn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Hai nhà lãnh đạo đã thông tin cho nhau về tình hình của mỗi nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bật chiến lược chống dịch bệnh hiện nay của Việt Nam, đi đôi đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine và tăng cường các biện pháp thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế. Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao các hoạt động tương trợ nhau giữa hai nước trong thời gian qua.
Thủ tướng Pháp cho biết sẽ hỗ trợ thêm cho Việt Nam 970.000 liều vaccine phòng Covid-19 qua cơ chế COVAX và 400.000 liều vaccine qua kênh song phương, nâng tổng số vaccine hỗ trợ cho Việt Nam đến nay lên hơn 2 triệu liều.
Thay mặt Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn sự giúp đỡ Chính phủ Pháp dành cho Việt Nam trong công tác phòng chống Covid-19; mong muốn Pháp tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đào tạo nhân lực ngành y, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thích nghi với bối cảnh hậu Covid-19.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy rằng, vượt qua các thăng trầm của lịch sử, quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam và Pháp đã không ngừng phát triển, vươn lên thành đối tác Chiến lược với nền tảng hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Năm 2023 sẽ là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Về hợp tác song phương, hai Thủ tướng đã thảo luận về phương hướng cũng như các biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm đưa quan hệ hai nước đạt được nhiều kết quả thiết thực hơn nữa, các khuôn khổ hợp tác giữa hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Hai bên đã thống nhất triển khai các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trao đổi thương mại song phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, hàng hóa của hai nước thâm nhập thị trường của nhau; đề xuất biện pháp thúc đẩy các dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và hàng không - vũ trụ; cùng hướng tới xây dựng các quan hệ đối tác công nghiệp lâu dài trên cơ sở chuyển giao công nghệ cao, cùng có lợi, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số...
Thủ tướng Pháp đề nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Pháp đầu tư cũng như thực hiện các dự án hợp tác tại Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh; thúc đẩy quan hệ giữa các cơ quan Quốc hội hai nước; đẩy mạnh hợp tác về nghiên cứu, khoa học công nghệ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Viện Pháp tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và ghi nhận những đề nghị của Pháp, khẳng định Việt Nam mong muốn sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả từ phía Pháp, cảm ơn Pháp tiếp tục duy trì mức cam kết hỗ trợ phát triển chính thức cũng như nguồn tài chính ưu đãi cho Việt Nam.
Những bản thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
Ngay sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết một số văn bản, thỏa thuận hợp tác, hợp đồng kinh tế lớn, đáng chú ý có: Thỏa thuận hợp tác giữa bộ Tư pháp Việt Nam và Tham Chính viện Pháp giai đoạn 2021-2026; Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh, thành phố thông minh, nhận dạng kỹ thuật số và an ninh mạng giữa Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Thales và các Biên bản ghi nhớ hợp tác của Vietjet Air, Bamboo Airway và Safran. Cũng nhân dịp này, phía Bộ Công Thương cũng trao quyết định chủ trương đầu tư dự án điện lực Sơn Mỹ 1.
Trong đó, theo thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện được Vietjet và Safran ký kết, từ những hợp tác về cung cấp và sử dụng động cơ và dịch vụ động cơ máy bay thông qua CFM International, công ty liên doanh của Safran với doanh số 10 tỷ USD đã có, Vietjet và Safran tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác lên tầm chiến lược lâu dài, bao gồm tăng cường doanh số cung cấp động cơ, đồng thời mở rộng nhiều lĩnh vực khác như ghế máy bay, nội thất buồng máy bay, dịch vụ đào tạo quản lý kỹ thuật động cơ cũng như cơ hội thành lập các tổ hợp sửa chữa bảo dưỡng công nghệ cao và đào tạo tại Việt Nam.
Bamboo Airways và Safran ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc lựa chọn động cơ và các thiết bị máy bay cho đơn hàng 50 máy bay A321NEO và 30 máy bay Boeing 787-9 của Bamboo Airways. Tổng giá trị các thỏa thuận trong Biên bản ghi nhớ hợp tác ước tính đạt 2 tỷ Euro.
Được biết, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác các đường bay thẳng đến nhiều nước châu Âu như Anh, Séc, Đức, Pháp và tới Mỹ… ngay khi điều kiện cho phép.
Thales và VNPT đã ký biên bản ghi nhớ chiến lược để hợp tác trong các lĩnh vực vệ tinh viễn thông, thành phố thông minh và an toàn, nhận dạng kỹ thuật số và sinh trắc học, 5G & IoT, an ninh mạng.