Thủ tướng: Việt Nam đã có lộ trình mở cửa các đường bay quốc tế
(Dân trí) - Việt Nam đang từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và đã có lộ trình mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là mở cửa các đường bay quốc tế, đây là cơ sở quan trọng để hàng không Việt Nam phục hồi.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Aengus Kelly - Tổng giám đốc Tập đoàn AERCAP - tập đoàn cho thuê tàu bay thương mại lớn nhất thế giới, làm việc về các giải pháp cho ngành hàng không Việt Nam, trong đó có Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và đã có lộ trình mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là mở cửa các đường bay quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng để hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines phục hồi.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng khó khăn của ngành hàng không chỉ là tạm thời, tin tưởng hãng hàng không quốc gia và AERCAP sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong dài hạn và trở thành đối tác chiến lược của nhau.
Thủ tướng chia sẻ thêm, Chính phủ Việt Nam với tư cách là chủ sở hữu lớn nhất của Vietnam Airlines đã có những phương án phục hồi cho hãng và cam kết duy trì, phát triển hãng hàng không quốc gia; cùng với các giải pháp của Chính phủ, rất cần thiết phải có sự chung tay, chia sẻ của các đối tác, bạn hàng, đặc biệt là các đối tác cho thuê tàu bay như AERCAP.
Về phía AERCAP, ông Aengus Kelly đã trao đổi về các kết quả đàm phán tích cực với Vietnam Airlines trong thời gian qua và đưa ra cam kết tiếp tục đồng hành cùng hãng thông qua các giải pháp như giãn hoãn thanh toán, giảm giá thuê tàu bay...
AERCAP đánh giá cao hãng bay quốc gia Việt Nam về năng lực, chất lượng quản trị và hoàn toàn tin tưởng vào sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ của hãng sau đại dịch; kiến nghị Chính phủ Việt Nam sớm mở lại các đường bay quốc tế, tạo điều kiện để các hãng hàng không khôi phục đường bay và nhanh chóng phục hồi.
Được biết, AERCAP là tập đoàn cho thuê tàu bay thương mại lớn nhất thế giới với hơn 2.000 tàu bay thương mại cho thuê và tổng giá trị tài sản lên tới 75 tỷ USD.
Với đội tàu bay lớn nhất Việt Nam gồm hơn 100 chiếc, Vietnam Airlines có chi phí tàu bay chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng chi phí, do đội tàu bay quy mô lớn trong khi hoạt động vận tải bị ngưng trệ, sụt giảm đã gây ra áp lực chi phí không nhỏ.
Việc tái cơ cấu đội tàu bay, cắt giảm chi phí là mục tiêu chiến lược để hãng bay quốc gia sớm vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19, trong đó đàm phán với các đối tác thuê mua tàu bay để giảm giá tiền thuê, đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới... là một số giải pháp của Vietnam Airlines nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.