Hai phương án làm đường Thanh Niên nối cầu Nhật Tân

(Dân trí) - UBND TP Hà Nội vừa đưa ra hai phương án cho tuyến đường nối cầu Nhật Tân với đường Thanh Niên, trong đó phương án 1 có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, phương án 2 đi trên cao có tổng mức đầu tư lên đến hơn 7.600 tỷ đồng.

Hà Nội vừa đưa ra hai phương án làm đường nối đường Thanh Niên với cầu Nhật Tân. Cụ thể, ở phương án 1, tuyến đường đi bám theo hành lang thoát lũ (chỉ giới thoát lũ) phía sông Hồng, đi dưới thấp, cốt cao độ cơ bản bám theo cao độ tự nhiên và đảm bảo trên dương 10,5m.

Ưu điểm của phương án là thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông, kết nối giao thông, đi lại thuận lợi với mạng lưới đường hiện có trong khu vực. Hạn chế ảnh hưởng đến các điều kiện, khả năng thoát lũ do hướng tuyến bám theo hành lang thoát lũ và cao độ cơ bản bám theo cao độ tự nhiên hiện nay.

Hà Nội vừa đưa ra hai phương án làm đường nối từ đường Thanh Niên đến cầu Nhật Tân (Ảnh Hữu Nghị)
Hà Nội vừa đưa ra hai phương án làm đường nối từ đường Thanh Niên đến cầu Nhật Tân (Ảnh Hữu Nghị)

UBND TP Hà Nội cho biết, với phương án trên sẽ hạn chế việc phát triển dân cư ngoài bãi sông do giải phóng mặt bằng một số nhà dân đang tồn tại bám theo hành lang thoát lũ thuộc phạm vi xây dựng đường. Phương án này cũng tạo cảnh quan kiến trúc và thuận lợi cho phát triển xanh dọc hai bên tuyến. Đặc biệt, tổng mức đầu tư của phương án này hợp lý, khoảng 3.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, nhược điểm của phương án này là khối lượng giải phóng mặt bằng khá lớn. Với phương án này, hướng tuyến của đường nhiều đường cong do bám theo hành lang thoát lũ.

Phương án hai được đề xuất lựa chọn là cho cầu trên cao đi trong hành lang thoát lũ. Ưu điểm của phương án, hướng tuyến tương đối thẳng và ít đường cong. Khối lượng giải phóng mặt bằng của phương án này ít hơn phương án 1. Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ ít hơn hơn phương án 1.

Phương án này có nhược điểm là tổng mức đầu tư lớn do chi phí xây dựng cầu cao, khoảng 7.660 tỷ đồng. Ngoài ra có khó khăn cho công tác tổ chức giao thông, kết nối giao thông đi lại với mạng lưới đường hiện có trong khu vực.

Phương án này cũng ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc khu vực; đồng thời phải có giải pháp kỹ thuật phức tạp hơn khi xây dựng trong hành lang thoát lũ.

Sau khi nghiên cứu, phân tích, so sánh ưu, nhược điểm của từng phương án, UBND TP Hà Nội dự kiến lựa chọn hướng tuyến theo phương án 1.

Để có cơ sở triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường trên, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét hồ sơ và sớm có văn bản thỏa thuận, thống nhất các nội dung liên quan tới lĩnh vực đê điều, phòng chống lũ, phương án hướng tuyến để UBND TP triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Quang Phong