Đồng Nai:
Hai năm, xử phạt hơn 100 tỷ đồng hành vi xâm hại môi trường
(Dân trí) - Các địa phương xây dựng khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp đã và đang diễn ra đọc các tuyến sông trên lưu vực sông Đồng Nai, điển hình như vụ việc lấn và lấp sông Đồng Nai tại khu vực phường Quyết Thắng đang gây ảnh hưởng đến môi trường.
Đó là khẳng định của Đại tá Dương Văn Linh, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Môi trường, Bộ Công an tại Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vào ngày 6/11, tại Đồng Nai.
Theo Đại tá Dương Văn Linh, quá trình xây dựng dự án các địa phương chưa đánh giá đầy đủ tác động đối với môi trường lưu vực sông, xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh, chưa tham vấn và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn về môi trường cũng như Ủy ban Bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác khoáng sản phát triển tương đối mạnh trong lưu vực cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường của hệ thống sông Đồng Nai. Theo đó, hoạt động của nhóm khoảng sản kim loại tập trung chủ yếu ở khu vực thượng lưu (các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai), nhóm khai thác khoáng sản phi kim (cát, đá, đất sét...) tập trung ở vùng hạ lưu (hồ Dầu Tiếng, Bình Dương, Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An). Các hoạt động khai thác đang là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt (kể cả ô nhiễm kim loại nặng). Khai thác quặng Boxit (Lâm Đồng) và khai thác vàng (khoảng 50 điểm quặng và mỏ vàng tập trung ở phía Bắc tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và một phần phía Nam tỉnh Đắk Nông) chủ yếu là khai thác lộ thiên, phương tiện khai thác thủ công và sử dụng đến hàng trăm nghìn m3 nước.
“Trong khi các doanh nghiệp khai thác có phép thực hiện không đầy đủ các cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép hoạt động liều lĩnh, manh động, hằng ngày đào bới, rửa xói, bơm hút hàng chục đến hàng trăm nghìn tấn đất, đá, cát và thải ra sông, suối đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường lưu vực sông Đồng Nai” – Đại tá Linh nhấn mạnh.
Đại tá Linh cho biết thêm, đáng báo động là tình trạng các công ty nạo vét đường thủy, duy tu thủy điện, lòng hồ thủy điện, tận thu và khai thác cát trên các tuyến sông cũng có nhiều dấu hiệu vi phạm như: khai thác cát ngoài vùng thủy điện cho phép, vượt độ sâu, lợi dụng hoạt động thăm dò để khai thác cát trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước của các tỉnh phía hạ nguồn. Nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý chất thải, hoặc đã có hệ thống xử lý chất thải nhưng không vận hành, vận hành không thường xuyên để đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra, hoặc bằng thủ đoạn xây dựng hệ thống xả thải bí mật ngoài thiết kế đã được phê duyệt, thẩm định để xả nước thải chưa qua xử lý, chưa đạt tiêu chuẩn ra sông, kênh, rạch.
Theo thống kê, trên toàn hệ thống lưu vực sông Đồng Nai hằng ngày phải tiếp nhận trên 4.500 điểm xả thải từ nhiều nguồn nước thải như: nước thải sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, y tế...
Hiện trên lưu vực sông Đồng Nai có hơn 10.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, bình quân mỗi ngày lưu vực sông tiếp nhận trên 480.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm phận tán trên lưu vực sông khiến môi trường lưu vực sông chịu áp lực ô nhiễm nặng nề.
Từ năm 2013 đến tháng 11/2015, lực lượng Cảnh sát Môi trường 11 tỉnh, thành phố lưu vực sông Đồng Nai đã phát hiện 2.116 vụ và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 100 tỷ đồng, tịch thu gần 300 tang vật, phương tiện vi phạm về các hành vi xâm hại đến môi trường. Chuyển 431 vụ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Chuyển cơ quan điều tra các cấp khởi tố hình sự 15 vụ, 28 đối tượng về hành vi phá rừng, hủy hoại rừng...
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng, sông Đồng Nai là hệ thống sông lớn ảnh hưởng đến hơn 15 triệu dân của 11 tỉnh, thành phố, vì vậy các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, đồng thời quan tâm đến việc xử lý ô nhiễm trên lưu vực sông.
Vĩnh Thủy