Gia Lai:
Hãi hùng dạo chợ ngày cận Tết
(Dân trí) - Thịt bày tràn lan dưới đất, người người ken chân đông nghịt, tình trạng móc túi hoành hành... Đó là những gì đang diễn ra ở Trung tâm thương mại Pleiku trong những ngày cận Tết.
Những ngày này, người dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đổ dồn về Trung tâm thương mại Pleiku (còn gọi là chợ Lớn Pleiku) để mua sắm Tết, khiến lượng người đến chợ tăng mạnh; cảnh nhếch nhác, lộn xộn hơn bao giờ hết. Ngán ngẩm nhất là cổng chợ ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Ngày thường, cổng chợ là nơi tập trung các sạp hàng bán giày dép, quần áo,... nên lượng người qua lại rất đông. Nay cận Tết lại càng đông hơn khi nhiều người tranh nhau ra “xí” chỗ để buôn bán, làm dịch vụ gửi xe.
Vào thời điểm rạng sáng, cổng chợ này còn là nơi giết mổ heo nên sáng sớm vẫn còn tanh hôi mùi máu, phân heo; nước thải lênh láng. Nhưng trước nhu cầu mua sắm tăng cao dịp Tết, các tiểu thương vẫn tranh nhau để hàng lên “bãi giết mổ” lấn chiếm lòng đường để bày hàng bán, khiến giao thông càng thêm lộn xộn, ùn tắc, kéo theo là nạn móc túi ngày càng gia tăng.
Trong cảnh người người chen nhau nhích từng bánh xe, dưới mặt đường là những túi nội tạng heo, bò và thịt được các tiểu thương bày bán. Gần những quầy hàng thịt này là hàng trái cây, có hàng đã gọt sẵn vỏ để người mua mang về ăn, vẫn đắt khách bất chấp tình trạng vệ sinh quá kém.
Ngoài các tiểu thương bán hàng khô, hàng thực phẩm thì bức xúc nhất vẫn là những bãi gửi xe. Lâu nay, những bãi giữ xe ở cổng chợ Nguyễn Thiện Thuật tại chợ Lớn vốn lấy mặt bằng từ vỉa hè, khi nhu cầu giữ xe của người dân tăng cao vào dịp Tết, các bãi giữ xe này liền lấn cả ra lòng đường đến nửa diện tích mặt đường. Cộng với việc các tiểu thương buôn bán các mặt hàng khác cũng lấn chiếm lòng đường, nên mặt đường giành cho người tham gia giao thông bị thu hẹp có đoạn chỉ 2 chiếc xe máy đi lọt qua. Không chỉ lấn chiếm lòng đường, mà các bãi giữ xe này cũng tự ý tăng giá gửi xe lên gần gấp đôi.
Những cảnh lộn xộn trên đã vô tình tạo kẻ hở cho các đối tượng hành nghề móc túi. Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà ở huyện Ia Grai chở vợ đi mua sắm ngao ngán: “Đi chợ mà khổ hơn đi cày, may mà sáng vợ tôi cẩn thận bọc tiền vào trong người nên không sao. Tôi chỉ để cái điện thoại ở túi quần, vậy mà mất lúc nào không hay. Chợ thì đông, đường đi thì bị lấn, lộn xộn vậy không mất tài sản mới là chuyện lạ”.
Thiên Thư