TP Cần Thơ:
Hai đại úy công an nhóm máu hiếm, hễ được gọi là thần tốc đến... bệnh viện
(Dân trí) - Từ khi biết mình thuộc nhóm máu hiếm (Rh-), Đại úy Lê Hoàng Phong và Đại úy Nguyễn Việt Khởi (công tác tại Công an TP Cần Thơ) luôn sẵn sàng hiến máu cứu người. Theo Đại úy Khởi và Phòng, dù bất kể ngày hay đêm, ở xa hay gần bệnh viện, họ đều có mặt kịp thời, hiến máu.
Công việc khá bận rộn dịp Tết, nhưng Đại úy Nguyễn Việt Khởi – Phó Đội trưởng Đội đăng ký xe, Phòng CSGT Công an TP Cần Thơ vẫn sắp xếp trò chuyện với chúng tôi.
Khoảng năm 2009, trong lần tham gia hiến máu tình nguyện, Đại úy Khởi được các bác sĩ Bệnh viện huyết học truyền máu TP Cần Thơ thông báo anh thuộc nhóm máu hiếm (Rh-) và hướng dẫn anh tham gia vào câu lạc bộ máu hiếm để “nhận lệnh” hiến máu cứu người khi bệnh viện yêu cầu cho máu.
Đại úy Khởi kể, rất nhiều lần hiến máu vào ban đêm và kể cả trong giờ làm việc. “Mỗi khi nhận được thông báo khẩn từ bệnh viện, bất kể ngày hay đêm, tôi đều sắp xếp chạy đến bệnh viện để các bác sĩ làm các xét nghiệm cần thiết để cho máu. Vì tôi nghĩ, mình đã mang hệ máu hiếm (tỷ lệ dân số cả nước chỉ có khoảng 0,07%) thì phải có trách nhiệm hiến máu cứu người, việc này vừa giúp người và cũng giúp bản thân mình khi chẳng may ngày nào đó bản thân cũng cần máu...”
Theo Đại úy Khởi, từ khi biết mình có nhóm máu hiếm, anh đã tham gia hiến máu 15 lần, chủ yếu là cho các sản phụ và nhiều trường hợp cấp cứu tại các bệnh viện TP Cần Thơ ( một vài trường hợp ngoài tỉnh). Dù Đại úy Khởi hiến máu ở đâu (trong hay ngoài TP Cần Thơ) anh sẵn sàng hiến máu mà không nghĩ và nhận bồi dưỡng gì từ bệnh viện hoặc gia đình bệnh nhân.
Còn Đại úy Lê Hoàng Phong – Bí thư Chi đoàn Phòng An ninh kinh tế Công an TP.Cần Thơ đã hiểu hơn ai hết về tầm quan trọng dòng máu mình mang. Do vậy, bất kể ngày hay đêm, xa hay gần, Đại úy Phong đều sẵn sàng tìm đến bệnh viện để chia sẻ những “giọt máu đào” quý giá của mình, cứu tính mạng của người "dưng".
Đại úy Phong kể: “Thường trường hợp cấp cứu là những người đang trong quá trình mang thai hoặc lúc sinh con. Do nhóm máu người mẹ và con xung khắc nhau nên khi xảy ra sự cố cần lượng máu lớn để truyền vào. Ngoài ra có những trường hợp bị tai nạn giao thông... Do vậy, họ rất cần được điều trị kịp thời, do đó, khi bệnh viện gọi thông báo là tôi báo với cơ quan sắp xếp đến ngay”.
12 năm công tác tại Công an TP.Cần Thơ, đồng chí Phong cho máu hơn 40 lần. Mỗi lần như thế đều diễn ra những thời khắc khác nhau, hoàn cảnh cũng vô cùng đặc biệt. Theo Đại úy Phong, đại úy Khởi, với người có nhóm máu hiếm, xác suất tìm máu truyền cùng nhóm rất khó. Vì thế có những hôm bận rộn, đang ngủ nhưng khi nhận được điện thoại, nghĩ đến bệnh nhân đang nguy kịch vì thiếu máu nên dù có khó khăn nhưng thế nào anh vẫn đến bệnh viện cho máu.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện huyết học truyền máu TP Cần Thơ, cho biết: Tôi đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm của các thành viên trong các câu lạc bộ máu hiếm ở ĐBSCL. Nhiều trường hợp ở xa, đang đi làm... nhưng khi được bệnh viện thông báo là sắp xếp để đến ngay các bệnh viện hiến máu cứu người hoặc tham gia các đợt hiến máu của bệnh viện vận động, dự trữ cho việc điều trị bệnh”.
Theo bác sĩ Nghĩa, hiện nay có khoảng 400 thành viên tham gia tại các câu lạc bộ máu hiếm ở ĐBSCL. Đa phần các thành viên đều tích cực trong việc hiến máu cứu người, tuy nhiên thời gian tới các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa để các câu lạc bộ có kinh phí hoạt động, có khoản hỗ trợ chi phí đi lại cho các thành viên hiến máu ở xa... đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để việc hiến máu cứu người đạt hiệu quả cao hơn.
Nguyễn Hành