Hà Tĩnh: Tài xế vi phạm nồng độ cồn rải rác, quán hàng vẫn đông khách
(Dân trí) - Sau 6 ngày ra quân thực hiện kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định mới, lực lượng CSGT - TT thành phố Hà Tĩnh đã kiểm tra hàng ngàn tài xế, nhưng chỉ phát hiện số ít trường hợp vi phạm. Hầu hết những người đã uống rượu, bia đều có người đón hoặc về nhà bằng taxi.
Kiểm tra hàng trăm người chỉ phát hiện vài trường hợp vi phạm
Từ ngày 1-6/1, Công an thành phố Hà Tĩnh thực hiện kế hoạch kiểm tra các phương tiện giao thông trên địa bàn áp dụng Nghị định 100/2019 của Chính phủ để xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Tối ngày 6/1, theo ghi nhận của PV Dân trí, hai tổ CSGT - TT Công an TP Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (phường Nam Hà) và đường Hải Thượng Lãn Ông kéo dài (phường Tân Giang).
Tại chốt đường Nguyễn Chí Thanh, tổ CSGT - TT Công an TP Hà Tĩnh gồm 10 cán bộ, chiến sĩ kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên với cả tài xế ô tô và người điều khiển xe máy. Không phải xuống xe nên trung bình mỗi tài xế chỉ mất chừng 20 - 30 giây cho việc dừng tại làn kiểm tra.
Gần 1 tiếng đồng hồ kiểm tra, tổ công tác đã kiểm tra khoảng 100 tài xế và chỉ phát hiện một trường hợp là ông Nguyễn Hữu Bảo (SN 1971, KP3, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) điều khiển xe máy mang BKS 38F2 – 0288 vi phạm nồng độ cồn với 0,244 miligam/lít khí thở (chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở quy định tại điểm C khoản 6 điều 6 Nghị định 100/2019).
Tại chốt trên đường Hải Thượng Lãn Ông kéo dài lưu lượng phương tiện đông hơn, trong thời gian từ 20h15-22h lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn gần 250 tài xế và cũng chỉ phát hiện một người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn 0,070 miligam/lít khí thở và 1 trường hợp tài xế đi ô tô vi phạm nồng độ cồn với 0,102 miligam/lít khí thở.
Qua thống kê của Công an TP Hà Tĩnh, số lượng người vi phạm nồng độ cồn đã giảm đáng kể. Cụ thể, trong ngày đầu tiên Luật phòng chống tác hại của rượu bia 2019 có hiệu lực thi hành (tối 1/1), đã xử phạt 5 trường hợp vi phạm (2 tài xế ô tô, 3 người đi xe máy). Các ngày tiếp theo (tối 2 – 6/1), chỉ phát hiện từ 2 – 3 trường hợp vi phạm. Sau 6 ngày, đã xử phạt 17 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 100 triệu đồng.
“Những năm trước, khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn mỗi đêm chúng tôi phát hiện và xử lý bình quân 15 trường hợp vi phạm, những lúc cao điểm có đến 18-20 tài xế bị phạt lỗi trên. Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm giảm hẳn. Đặc biệt để tránh các trường hợp báo chốt, báo điểm trên mạng xã hội nên chúng tôi thực hiện đo lưu động, chuyển chốt liên tục nhưng số tài xế vi phạm rất ít” – một cán bộ Đội CSGT – TT thành phố Hà Tĩnh nói.
Quán hàng vẫn đông nhưng người vi phạm giảm hẳn
Theo ghi nhận, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, lượng khách ở các nhà hàng và quán nhậu vẫn khá đông. Tuy nhiên, khách hàng sau khi uống rượu được vợ, lái xe đi cùng chở về, có những người được nhà hàng hỗ trợ đưa về tận nhà, hoặc gọi hộ taxi… đã dần dần trở thành thói quen nên việc tài xế vi phạm nồng độ cồn khi lái xe giảm rất nhiều.
“Những năm đầu khi lực lượng chức năng tiến hành đo nồng độ cồn đối với các tài xế, quán hàng đìu hiu, thưa khách, chúng tôi đã nghĩ tới việc đóng cửa. Tuy nhiên, một thời gian sau qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là sự tuyên truyền đến tận quán của công an thành phố, chúng tôi mới nghĩ ra những phương pháp đảm bảo an toàn cho khách nên đến nay các quán vẫn hoạt động bình thường, còn khách sau khi đã uống thì đồng nghĩa với không lái xe” – chị Hoa (chủ quán nhậu ở đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh) nói.
Trung tá Bùi Đức Thuận – Phó trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết, thành phố là nơi tập trung nhiều khu kinh doanh ẩm thực… xác định việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, làm giảm tai nạn thì rất cần thiết phải kiểm soát nồng độ cồn.
“Hiện nay Luật phòng chống tác hại của rượu bia cũng như Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ có hiệu lực với nhiều quy định khắt khe hơn, chế tài xử phạt cao hơn thì đơn vị tiếp tục tăng cường việc xử lý nồng độ cồn. Trong 6 ngày thực hiện, cơ bản ý thức chấp hành của người dân có sự chuyển biến rõ rệt” – Trung tá Thuận nói.
Cũng theo Trung tá Thuận, để đạt được dấu hiệu tích cực trên, đơn vị xác định chuyên đề xử phạt vi phạm nồng độ cồn không phải thực hiện trong “ngày một ngày hai” mà 3 năm qua, đơn vị tiến hành thường xuyên, liên tục, vừa phối hợp nhiều biện pháp tuyên truyền, vừa xử lý nghiêm theo quy định.
“Hi vọng với sự quyết liệt của CSGT Công an TP Hà Tĩnh, sẽ hình thành nét văn hóa tốt đối với người tham gia giao thông trên địa bàn, đó là khi đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện và khi điều khiển phương tiện thì không uống rượu bia” – Trung tá Thuận nhận định.
Tiến Hiệp