1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh: 67.000 người làm việc ở nước ngoài, quá nửa là lao động chui

(Dân trí) - Trong tổng số hơn 67.000 lao động của Hà Tĩnh đang làm việc tại nước ngoài thì có đến 35.000 người là lao động chui, chiếm hơn 50% tổng số lao động.

Vấn nạn lao động chui

Hà Tĩnh: 67.000 người làm việc ở nước ngoài, quá nửa là lao động chui - 1

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc cho rằng việc xử lý lao động chui hết sức khó khăn

Trong phiên chất vấn diễn ra sáng 15/12, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc cho biết, hiện nay Hà Tĩnh đang có trên 67.818 người đang làm việc tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, số lượng lớn người tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Angola, Lào, các nước Châu Âu. Số ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trong thời gian qua tăng cả về quy mô và mức độ vi phạm.

Tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước... đang là vấn đề đáng báo động.

Hà Tĩnh hiện có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Nếu tính số lao động di cư tự do ra nước ngoài và không có giấy phép lao động của nước sở tại lên tới 35.000 người, chiếm hơn 50% tổng số lao động.

Không thể kiểm soát?

Tại buổi chất vấn, ngành LĐ-TB&XH nhận được rất nhiều câu hỏi xung quanh đến các vấn đề lao động, việc làm.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt chất vấn, hiện nay trên địa bàn tỉnh, đơn vị có đủ giấy phép đưa lao động đi nước ngoài rất ít, đa số là công ty ngoại tỉnh? Việc đánh giá năng lực của các công ty này như thế nào?

Có hay không việc các công ty tư vấn du học lợi dụng giấy phép của Sở GD&ĐT để tư vấn đưa lao động đi nước ngoài? Cơ quan chức năng đã xử lý được bao nhiêu trường hợp.

Đại biểu Trần Hữu Tám thì đặt vấn đề, ngoài việc người dân đi thăm thân, chữa bệnh, du lịch rồi trốn ở lại thì có hay không đường dây đưa người vượt biên trái phép?

Trả lời những vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay trên toàn quốc có 410 đơn vị được đưa lao động ra nước ngoài chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM.

Hà Tĩnh trước đây cũng có 5 đơn vị nhưng do hoạt động không hiệu quả nên giờ chỉ còn 1.

Về chương trình lao động ngắn hạn của Bộ LĐ-TB&XH, Hà Tĩnh đã đưa nhiều người sang bên Hàn Quốc để xúc tiến, làm việc.

Về vấn đề lao động hết hợp đồng sau đó trốn ở lại, vị này cho biết, trong các điều kiện ràng buộc, có nội dung yêu cầu lao động đóng cọc 100 triệu đồng nhưng số tiền đó vẫn chưa thể níu giữ lao động về.

“Đây là một vấn đề rất khó. Người dân đi đâu, làm gì, không thể quản lý được”, vị này nói và cho rằng trách nhiệm này cũng thuộc về các địa phương trực tiếp quản lý.

Việc các công ty du học lợi dụng giấy phép để tư vấn, đưa lao động đi nước ngoài, Sở cũng đã phát hiện, xử phạt. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành tổng ra soát.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng thừa nhận việc xử lý các lao động bỏ trốn hết sức khó khăn.

“Xử phạt thì xử phạt người lao động nhưng họ không về nên cũng không hiệu quả thực tế. Quy định này cũng có thể xem là một kẽ hở”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh nói.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhận xét, nội dung trả lời của Sở LĐ-TB&XH là chưa thỏa đáng, nhiều vấn đề chưa được đề cập rõ và yêu cầu làm rõ trong các buổi làm việc sau.

Xuân Sinh