1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội, TPHCM gặp khó trong phân loại chất thải rắn tại nguồn như thế nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy Hà Nội và TPHCM đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 - Chuyên đề Quản lý chất thải rắn sinh hoạt vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành cho thấy, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng.

Một số địa phương đã triển khai chương trình phân loại tại nguồn với mục đích tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, đặc biệt là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao, tạo nguồn hữu cơ “sạch” để chế biến compost có chất lượng cao. Đồng thời góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn được chôn lấp tại các bãi chôn lấp.

Hà Nội, TPHCM gặp khó trong phân loại chất thải rắn tại nguồn như thế nào? - 1

Bãi rác nằm ngay gần nhiều cơ quan, bệnh viện lớn ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tồn tại suốt nhiều năm qua (Ảnh: Nguyễn Bắc).

Trong đó, năm 2007 Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm). Đây là dự án phân loại chất thải tại nguồn (3R Hà Nội) được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện.

Dự án bước đầu đã đưa khái niệm phân loại, thu gom, xử lý chất thải vào chương trình giáo dục tiểu học tại địa phương trong năm học 2007 - 2008 và nhân rộng mô hình sang các khu vực tiếp theo trên địa bàn (Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ).

Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Một số khu vực vẫn sử dụng các phương tiện thu gom chất thải rắn thủ công, vừa mất mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường. Tại khu vực nội thành, hầu hết lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày đã được thu gom, nhưng tình trạng đổ chất thải tùy tiện vẫn xảy ra ở không ít khu vực công cộng.

“Các chiến dịch phát động về phân loại chưa nhận được sự hưởng ứng đồng bộ của chính quyền, đơn vị thu gom, cộng đồng dân cư nên hiệu quả không được như mong muốn”- báo cáo nêu.

Tại TPHCM, báo cáo cho biết 69% lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 20% được sử dụng để chế biến compost, 11% áp dụng công nghệ đốt.

Để giảm tỷ lệ chôn lấp, TPHCM đã triển khai chương trình phân loại tại nguồn qua nhiều giai đoạn từ thí điểm một cụm dân cư hoặc một phường trên địa bàn một quận, đến nhân rộng trên địa bàn 6 quận giai đoạn 2015 - 2016 và sau đó nhân rộng phạm vi thực hiện trên địa bàn 24 quận/ huyện từ năm 2017 đến nay.

Bên cạnh một số quận, huyện triển khai khá tốt công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn, vẫn có nhiều quận, huyện còn lúng túng trong thực hiện.

“Công tác phân loại tại nguồn chưa được UBND 24 quận, huyện triển khai đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức do các nguyên nhân: Các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại; công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương vẫn chưa đồng bộ nên hiệu quả phân loại vẫn chưa cao; chưa kiểm tra, xử phạt theo theo Nghị định số 155/2016 đối với hành vi không phân loại…”- báo cáo phản ánh thực trạng.

Đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ

Kết quả điều tra, khảo sát thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mặc dù việc triển khai các giải pháp quản lý đạt kết quả nhất định nhưng để có thể quản lý đồng bộ, hiệu quả và an toàn thì nhiều tồn tại cần được giải quyết.

Đó là việc quản lý chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu trong sinh hoạt. Chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; các chương trình phân loại tại các địa phương còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa. Cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ.

Trong khi đó, hoạt động tái chế chất thải rắn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Phương thức xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp, các bãi chôn lấp chủ yếu tồn tại từ lâu, tiêu tốn quỹ đất; tỷ lệ chất thải được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp…

Hà Nội, TPHCM gặp khó trong phân loại chất thải rắn tại nguồn như thế nào? - 2

Mỗi năm các thành phố phải chi hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trong khi đó, mỗi năm các thành phố phải chi hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm: thu gom chất thải rắn tại các nguồn phát sinh; thu gom trên đường phố; trung chuyển và vận chuyển; xử lý (chôn lấp); quét dọn và vệ sinh đường phố, nơi công cộng; vớt chất thải rắn trên sông.

Sự gia tăng dân số và sự phổ biến của các đồ dùng một lần đã khiến lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, dẫn đến chi phí quản lý cũng tăng theo. Đơn cử như TPHCM phải chi ngân sách mỗi năm từ 900 - 1.200 tỷ đồng cho công tác quét dọn vệ sinh đường phố và thu gom vận chuyển, 1.100 - 1.200 tỷ đồng cho hoạt động xử lý chất thải rắn, chủ yếu là chôn lấp (69% khối lượng), phần còn lại được chế biến compost (20%) và đốt không thu hồi năng lượng.

Chi phí này là chi phí trực tiếp cho công tác quản lý và chưa tính đến các chi phí về đất (do tiền thuê đất không phải trả), chi phí khám và chữa bệnh cho người dân do ô nhiễm gây nên, tai nạn do vận chuyển…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm