1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Hà Nội, TPHCM có kết quả thi hành án hành chính đạt kết quả thấp

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết Hà Nội, TPHCM, Kiên Giang, Lâm Đồng… có kết quả thi hành án hành chính năm 2024 đạt kết quả thấp.

Thông tin đó được ông Nguyễn Văn Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) nêu ra trong văn bản vừa gửi Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo ông Lực, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án.

Ông Lực cho biết, theo quy định, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính, các cơ quan thi hành án dân sự được giao trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính; nhiều Cục Thi hành án dân sự được UBND cùng cấp giao tham mưu thực hiện quản lý về thi hành án hành chính.

Nêu một số địa phương có kết quả thi hành án hành chính năm 2024 đạt hiệu quả cao, ông Lực thống kê cụ thể như: Nghệ An, Bình Định, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Ngãi...

Hà Nội, TPHCM có kết quả thi hành án hành chính đạt kết quả thấp - 1

Cán bộ thi hành án dân sự thực thi công vụ (Ảnh minh họa: BTP).

Đáng chú ý nhất, theo Tổng cục Thi hành án dân sự, Nghệ An đã thực hiện hiệu quả cả về thi hành án hành chính và theo dõi thi hành án hành chính trên địa bàn.

"Để có được kết quả này, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An đã chủ động thực hiện và tham mưu UBND tỉnh Nghệ An thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên đã đem lại kết quả tích cực. Trong 72 bản án hành chính phải thi hành, Nghệ An đã thi hành xong 69 bản án (đạt 95,8%), còn 3 bản án đang thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án", ông Lực cho hay.

Nghệ An không có trường hợp nào cơ quan thi hành án phải kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm người phải thi hành án. Kết quả đó, theo Tổng cục Thi hành án, vừa nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính, giữ được mối quan hệ phối hợp tốt với chính quyền, vừa nâng cao vị thế, vai trò của cơ quan thi hành án dân sự.

Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đánh giá Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiều nội dung công việc như tham mưu quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; tham mưu tuyên truyền, triển khai pháp luật tố tụng hành chính; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các vụ việc; kiểm tra, đôn đốc, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án…

Nhận thấy cách làm đó "hay, mang lại hiệu quả thiết thực", Tổng cục Thi hành án dân sự đã gửi chuyên đề của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An đến các Cục Thi hành án dân sự trên cả nước để tham khảo, nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn.

"Đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện", Phó tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực nhấn mạnh.

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, tổng số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành trong năm 2024 là 1.973 bản án (tăng 599 bản án so với cùng kỳ năm 2023). Số bản án tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính là 652 bản án.

Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định (tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023); số bản án bị hủy, hoãn, tạm đình chỉ thi hành là 11 bản án. Số bản án đang tiếp tục thi hành là 1.066 bản án - chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2023 và năm 2024.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm