Hà Nội thống nhất làm đường rộng 120m nối sân bay Gia Bình với Thủ đô
(Dân trí) - Hà Nội thống nhất phương án xây dựng tuyến đường gần 50km, trong đó chiều dài đoạn tuyến qua địa phận Thủ đô hơn 28km kết nối từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với trung tâm thành phố.
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận của ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố về phương án xây dựng tuyến đường nối sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thủ đô trên địa bàn thành phố.
Trước đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, tỉnh Bắc Ninh và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - TEDI (đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nghiên cứu phương án) nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường.
UBND TP Hà Nội cơ bản thống nhất phương án tuyến kết nối từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) về trung tâm thành phố (đoạn tuyến trên địa phận thành phố Hà Nội) - phương án 1 theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Phối cảnh sân bay Gia Bình (Ảnh: Sungroup).
Tổng chiều dài toàn tuyến Bắc Ninh - Hà Nội gần 50km, trong đó chiều dài đoạn tuyến qua địa phận Hà Nội hơn 28km (gồm hơn 8km đoạn tuyến làm mới; đoạn đi trùng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên/vành đai 3, đường cầu Tứ Liên khoảng hơn 20km).
Dự án đồng bộ với định hướng trong các quy hoạch của Hà Nội đã được phê duyệt, đảm bảo kết nối với mạng lưới các tuyến đường giao thông đã được xác định trong các đồ án quy hoạch được duyệt như Vành đai 3, Quốc lộ 5, đường nối cầu Giang Biên - Vĩnh Tuy Vành đai 2, đường Hà Huy Tập...
UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh thống nhất toàn tuyến từ sân bay Gia Bình về trung tâm Thủ đô có quy mô mặt cắt tuyến 100-120m (lựa chọn 120m để phù hợp với quy mô tỉnh Bắc Ninh dự kiến điều chỉnh 142m thành 120m) và mở rộng nghiên cứu không gian phát triển đô thị dọc hai bên đường từ 300-400m.
Hai địa phương cũng thống nhất đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị dọc tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm Hà Nội (đoạn trên địa bàn Hà Nội).
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ điều chỉnh bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sân bay Gia Bình có quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến khoảng 1 triệu hành khách/năm thời kỳ 2021-2030; khoảng 3 triệu hành khách/năm tầm nhìn đến năm 2050; diện tích đất dự kiến khoảng 363,5ha.

Vị trí sân bay Gia Bình (Ảnh: CTV).
Ước tính chi phí đầu tư Cảng hàng không quốc tế Gia Bình theo quy hoạch khoảng gần 17.700 tỷ đồng thời kỳ 2021-2030; khoảng hơn 12.000 tỷ đồng tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng điều chỉnh diện tích đất chiếm dụng dự kiến của quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng hơn 24.000ha; nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 438.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Sau khi bổ sung Cảng hàng không quốc tế Gia Bình trong thời kỳ 2021-2030, Việt Nam sẽ bao gồm 31 cảng hàng không, trong đó có 15 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không quốc nội; tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bao gồm 34 cảng hàng không, trong đó có 15 cảng hàng không quốc tế và 19 cảng hàng không quốc nội.