1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội siết việc đi lại, nêu rõ những loại giấy dân cần có khi ra đường

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Ngoài "Giấy thông hành", Hà Nội yêu cầu người đi đường phải được cấp, xuất trình được nhiều loại giấy tờ liên quan để có thể di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Hà Nội siết việc đi lại, nêu rõ những loại giấy dân cần có khi ra đường - 1

Hà Nội yêu cầu người đi đường phải được cấp, xuất trình được nhiều loại giấy tờ liên quan để có thể di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (Ảnh minh họa: Nguyễn Trường).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký, ban hành văn bản gửi các cơ quan liên quan trên địa bàn toàn thành phố về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Động thái này được Hà Nội cho biết nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố đến 6h ngày 23/8.

Nội dung văn bản thể hiện, ngày 29/7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản quy định về mẫu Giấy đi đường và các giấy tờ cần thiết khác. Trong thời gian này, cơ bản các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định của thành phố.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cho biết, vẫn còn nhiều trường hợp cấp và sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng; có một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm giãn cách. Những điều này đã ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua.

Vì vậy, Hà Nội đề nghị ngoài Giấy đi đường, người đi đường xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội Trung ương trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các văn bản mà Hà Nội đã ban hành; bố trí cán bộ, công chức, người lao động… sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những người thuộc diện trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu mới được đến trụ sở làm việc trực tiếp.

Hà Nội giao Công an thành phố; UBND quận, huyện, thị xã siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra Giấy đi đường tại các chốt kiểm soát đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng.

Trọng tâm là kiểm soát, giám sát việc sử dụng Giấy đi đường có điểm đến trên địa bàn mình quản lý để phát hiện, nhắc nhở hoặc kiến nghị xử lý các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách.

Đồng thời, các chốt kiểm tra, khi phát hiện các trường hợp sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, thông tin đến Công an xã, phường, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức cấp Giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định…

Đối với UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn theo từng nhóm đối tượng cụ thể.

Đối với các chợ trên địa bàn, yêu cầu Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định. Trên cơ sở danh sách do các Ban Quản lý chợ cung cấp, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng…