1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội rộn rã ngày Giao thông xanh

(Dân trí) - 8h30 sáng 16/5, người dân ở nhiều tuyến phố Hà Nội mỉm cười khi thấy đoàn xe đạp của những bạn trẻ diễu hành với ruybăng, baner, tờ rơi… tuyên truyền về ngày Giao thông xanh. Nhiều người vui vẻ hoà chung vào nhóm cổ động. Tất cả đều mong Hà Nội đỡ ô nhiễm.

Sinh viên đi xe đạp, xe buýt là nhất!

Trịnh Thái Hà, khoa Hóa trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết đã lâu lắm cô không dám ra đường mà thiếu chiếc khăn bịt kín mặt, bởi đường phố bây giờ ô nhiễm quá, bụi bặm quá. Hà cứ tiếc mãi những ngày vui vẻ vi vu với trên con phố phong quang, thoáng đãng, thơm ngát mùi hoa sữa!

Rồi tình cờ biết đến phong trào Giao thông Xanh và chương trình Ngày Giao thông Xanh (16/5). Hà đã “lôi kéo” thêm nhiều bạn bè khác tình nguyện trở thành sứ giả của chương trình. Hà và các bạn không quản ngại đạp xe đi khắp các tuyến phố tuyên truyền để nhiều người hiểu khí thải, khói bụi từ các phương tiện đi lại cá nhân như xe máy, ôtô đang là vấn đề nhức nhối được cả cộng đồng. Việc gia tăng số lượng ô tô, xe máy cá nhân làm cho lượng khí thải độc hại, khói bụi không ngừng tăng lên làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người và chất lượng môi trường. Bên cạnh đó, các loại tài nguyên thiên nhiên đang có nguy cơ cạn kiệt.

Không ít người thắc mắc với nhóm các bạn trẻ đi vận động: “Xe buýt vẫn dùng nhiên liệu xăng, dầu là chủ yếu đấy chứ?”.

Vậy là lại giải thích: “Nhưng vì lượng khí thải CO2 trên đầu người thấp hơn so với các loại phương tiện khác nên cũng được coi là phương tiện giao thông xanh”.

Với Thanh Hùng, sinh viên khoa Nhật, trường Đại học Hà Nội thì trong thời điểm giá cả leo thang như hiện nay thì phương án sử dụng các phương tiện giao thông Xanh là rất phù hợp với cái túi tiền luôn “hẻo” của sinh viên, lại giúp các bạn tăng cường sức khoẻ.

Giao thông Xanh không phải là một điều gì xa lạ với Minh Hương. Cô gái mạnh mẽ, nhiệt tình của trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường đang là thành viên tích cực của câu lạc bộ Đạp xe vì môi trường (C4E). Chủ nhật hàng tuần, Hương và các bạn sinh viên tình nguyện của nhóm cùng đi đạp xe vì môi trường, vừa để tăng cường sức khỏe và quan trọng hơn là gây sự chú ý của cộng đồng khi có các biểu ngữ kêu gọi đi xe đạp bảo vệ môi trường và các hành động khác. Sau khi đạp xe, các bạn còn làm vệ sinh môi trường tại các hồ Ngọc Khánh, hồ Thiền Quang và hồ Hoàn Kiếm.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị cho biết: Trung tâm đang hợp tác với các tổ chức tại Hà Nội để phát triển Ngày Giao thông Xanh thành một phong trào. Phong trào này kêu gọi người dân ở Hà Nội sử dụng các phương tiện giao thông xanh không chỉ trong ngày 16/5 mà bất kỳ khi nào có thể. Phong trào còn hướng đến vận động chính sách để tạo một môi trường thuận lợi cho người dân sử dụng các phương tiện giao thông xanh. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang rất ủng hộ họ thực hiện các chương trình này

“Ngày Giao thông Xanh 2008 đã và đang được sự ủng hộ của các bạn thanh niên, các nhóm tình nguyện yêu môi trường và các cá nhân khác trên toàn thành phố Hà Nội. Một số nhóm đã chủ động nhân rộng và tuyên truyền về Ngày Giao thông Xanh tại Vĩnh Yên, Việt Trì, Nam Định”, Bà Giang nói.

Mong Hà Nội xanh, sạch cả 365 ngày

Sau hàng loạt đợt quan trắc phối hợp giữa Sở Khoa học Công nghệ TP Hà Nội và Viện Hóa học, các nhà khoa học cho biết, mỗi năm, bầu không khí tiếp nhận 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2.

Dự báo đến năm 2010, nồng độ những loại khí độc hại này tại các nút giao thông trên địa bàn Hà Nội sẽ vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7 đến 9 lần. Không khí ô nhiễm nặng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ mắc các bệnh đường hô hấp ở dân cư sống quanh các đường và nút giao thông bị ô nhiễm không khí cao hơn các vùng dân cư khác, như các triệu chứng ho, khạc đờm, viêm họng, chảy nước mũi đều cao xấp xỉ gấp hai lần. Các bệnh ở mũi gấp hai đến ba lần.

Ở Caritas Thụy Sỹ-tổ chức phi chính phủ quốc tế làm việc tại Việt Nam từ năm 1996, mỗi cán bộ đều là một người bảo vệ môi trường. Tất cả các cán bộ đều cam kết tham gia Ngày Giao thông Xanh. Đối với họ, giao thông xanh không chỉ diễn ra vào ngày 16/5. Họ cũng đang bàn bạc để phát triển ý tưởng này xa hơn nữa. Họ vận động gia đình và bè bạn tham gia Ngày Giao thông Xanh và viết cam kết trên trang web. Tất cả đều nỗ lực vì một Hà Nội xanh hơn và thanh bình hơn, trong cả 365 ngày của một năm.

Khi bàn về vấn đề môi trường, các cán bộ không chú trọng đến số lượng của các chương trình và người tham gia mà nhấn mạnh đến chất lượng của sự thay đổi hành vi trong mỗi cá nhân cũng như cộng đồng để bảo vệ môi trường.

Họ tự nguyện tái sử dụng giấy và giảm in tài liệu trong văn phòng, tắt máy tính, đèn và điều hòa khi rời văn phòng, không ủng hộ những hoạt động phá hoại môi trường, không ăn thịt động vật hoang dã…

Đại diện trưởng Marco thường đi xe đạp đi làm. Chị Lan, quản lý văn phòng, hàng ngày vẫn đi làm bằng xe buýt. Chị cương quyết không sử dụng xe máy và xe ôm, kể cả trong trường hợp phải đợi xe buýt rất lâu. Chị Ngân, cán bộ hành chính, thường kết hợp đi xe máy cùng chồng đến nơi làm việc. Mỗi hành động nhỏ đều thể hiện sự trân trọng môi trường!

Nhiều cơ quan và tổ chức khác ở Hà Nội như Caritas, CRS, Công ty Giải pháp Đô thị Nông thôn, Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam, Oxfam Anh và các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc... cũng tổ chức vận động các cán bộ đi xe đạp, xe buýt và đi bộ trong Ngày Giao thông Xanh.

Đối với họ, việc giữ gìn môi trường sống thêm xanh, sạch là trách nhiệm.

P. Thanh