1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội rà soát toàn bộ nhà khu vực Cửa Bắc

(Dân trí) - Sau vụ sập nhà 43 Cửa Bắc (quận Ba Đình), Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu khẩn trương rà soát lại những khu nhà xung quanh khu vực, có tuổi đời lâu năm để lên phương án hướng dẫn người dân tránh nguy hiểm, cải tạo điều kiện sống.

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông tin cụ thể vụ sập nhà ở 43 Cửa Bắc diễn ra vào hồi 3h30 ngày 4/8/2016. Ngay sau khi nhận được tin báo cứu nạn, UBND thành phố đã chỉ đạo các lực lượng gồm Cảnh sát PCCC thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Y tế cùng các lực lượng liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho các nạn nhân bị thương và bảo đảm an toàn cho các hộ dân xung quanh, ổn định tình hình trật tự khu vực.

Ngôi nhà bị sập do ông Trần Anh Tuấn sinh năm 1964, làm chủ hộ. Nhà bị sập có diện tích khoảng 30 m², 3 tầng 01 tum; tầng 1, 2 để kinh doanh, tầng 3 là bếp và nơi ngủ của nhân viên. Tại thời điểm xảy ra vụ sập nhà, trong căn nhà này có 9 người đang cư trú. Lực lượng cứu hộ cứu nạn xác định có 4 người tự thoát ra ngoài, 5 người mắc kẹt trong nhà. Công tác cứu nạn đã được thực hiện khẩn trương ngay trong đêm.

Hơn 3h, ngày 4/8, căn nhà 4 tầng số 43 Cửa Bắc bất ngờ bị sập (Ảnh Nguyễn Dương)
Hơn 3h, ngày 4/8, căn nhà 4 tầng số 43 Cửa Bắc bất ngờ bị sập (Ảnh Nguyễn Dương)

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn, điều tra nguyên nhân vụ việc. Theo yêu cầu của của ông Chung, việc cứu nạn phải thực hiện khẩn trương nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho chính lực lượng cứu nạn và không gây sập, đè các tảng bê tông xuống những nạn nhân còn kẹt trong đống đổ nát. Do đó, lực lượng cứu nạn phải sử dụng các cẩu lớn cố định những tấm bê tông, sử dụng các phương tiện máy móc nhẹ để phá dỡ và chuyển đống đổ nát ra ngoài, đảm bảo không gây sụt, lún xuống phía dưới.

Sau khi cứu người cuối cùng ra, Sở Xây dựng đã thực hiện ý kiến chỉ đạo đã mời chuyên gia đến gia cố bằng các dầm chịu lực, đảm bảo an toàn cho các căn nhà bên cạnh. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu khẩn trương rà soát lại những khu nhà xung quanh khu vực, có tuổi đời lâu năm để lên phương án hướng dẫn người dân tránh nguy hiểm, cải tạo điều kiện sống.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Ba Đình thực hiện công tác cứu trợ đột xuất theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Đến chiều 4/8, thành phố và các đơn vị tổ chức thăm hỏi, động viên người bị nạn bước đầu đã kịp thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người bị thương với số tiền 5 triệu đồng/người và 2 gia đình nạn nhân tử vong với số tiền là 22,4 triệu đồng.

Sau khi hoàn tất công tác cứu nạn, cơ quan chức năng đã phong tỏa hiện trường phục vụ công tác khám nghiệm. Các lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ chính xác nguyên nhân của vụ sập nhà và xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan để có biện pháp xử lý.

Tại căn nhà bị sập số 43 phố Cửa Bắc có 9 người tạm trú, gồm:

1. Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1998, quê quán Yên Phong, Bắc Ninh.

2. Nguyễn Vĩnh Đua, sinh năm 1983, quê quán Yên Phong, Bắc Ninh.

3. Trần Văn Dần, sinh năm 1998, quê quán Đông Cửa, Thanh Sơn, Phú Thọ.

4. Nguyễn Hồng Chiến, sinh năm 1999, quê quán Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội

5. Nguyễn Hồng Thắng, sinh năm 1998, quê quán Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội

6. Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1997, quê quán Thành phố Phủ Lý, Hà Nam.

7. Nguyễn Thị Thoa, sinh năm 1997, quê quán Phú Thọ.

8. Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1993, quê quán Ba Vì, Hà Nội.

9. Nguyễn Vĩnh Dần, sinh năm 1986, quê quán Yên Phong, Bắc Ninh.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm