Hà Nội lên lộ trình thu phí vỉa hè
(Dân trí) - Vỉa hè Hà Nội đang trở thành bãi đỗ xe, nơi buôn bán hàng ăn, thay vì là không gian cho người đi bộ. Để quản lý lại không gian này, Sở Xây dựng dự kiến trình đề án thu phí vỉa hè vào quý II năm nay.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP đã ban hành quyết định về việc thành lập tổ soạn thảo đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè trên địa bàn toàn thành phố.
Tổ soạn thảo gồm 36 người, trong đó có đại diện 11 sở, ngành và các quận, huyện. Đơn vị đang xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè trên cơ sở 3 nguyên tắc.
Thứ nhất, lòng đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích chính là phục vụ giao thông.
Thứ hai, hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ, kết hợp bố trí hệ thống hạ tầng đô thị theo dọc tuyến.
Thứ ba, việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận sử dụng đúng mục đích, đúng phạm vi cho phép.
"Hiện, toàn bộ đề án đang được dự thảo và lấy ý kiến của thành viên tổ soạn thảo, cũng như quận, huyện. Thời gian tới, tổ soạn thảo sẽ báo cáo thành phố và có thông tin cụ thể nội dung đề án, nguyên tắc tổ chức quản lý vỉa hè, lòng đường", ông Minh nói.
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất phức tạp và cần nghiên cứu cụ thể, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đề án liên quan từng tuyến phố, từng địa phương, từng quận huyện, trong khi mỗi nơi có tính chất và đặc thù khác nhau.
Do đó, ban soạn thảo sẽ lên đề cương và thống nhất nguyên tắc chung khi soạn thảo. Sau khi báo cáo và được Thành ủy, UBND TP Hà Nội thông qua, tổ soạn thảo mới tính toán tiếp về thời gian, tiến độ cụ thể để triển khai đề án này.
Dự kiến, Sở Xây dựng sẽ trình Ban Cán sự Đảng bộ thành phố về đề án quản lý, thu phí vỉa hè vào quý II năm nay. Sau đó là quy trình để các cấp có thẩm quyền thông qua.
Thực tế, một số quận ở Hà Nội đã đề xuất phương án thí điểm cho thuê vỉa hè tại các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn một cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.
Theo đề xuất, diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.
Dù vậy, đề xuất này của quận chưa được thành phố chấp thuận. Thay vào đó, Hà Nội giao Sở Xây dựng là đơn vị trực tiếp xây dựng đề án quản lý vỉa hè để áp dụng chung cho các quận nội thành.
Trước đó vào năm 2021, quận Hoàn Kiếm đã thí điểm cho thuê vỉa hè để kinh doanh ở 4 điểm với mục đích giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh. Các điểm này gồm: 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền.
Những địa điểm trên đều là các khách sạn, nhà hàng lớn, có vị trí mặt tiền rộng và thoáng, phần vỉa hè đảm bảo không gian cho mục đích kinh doanh, bày bán sản phẩm và vẫn dành được không gian cho người đi bộ.
Dù thành công trong việc thu phí vỉa hè với 4 địa điểm trên, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm thừa nhận đây không phải hình mẫu chung để áp dụng cho nhiều tuyến phố, do đặc trưng đa số tuyến phố có vỉa hè nhỏ nên cần tính toán để đảm bảo tối ưu về khai thác không gian.
Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội tại kỳ họp cuối năm 2023, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đánh giá tình trạng lấn chiếm vỉa hè chưa được giải quyết triệt để do đây là nguồn thu nhập chính của bộ phận không nhỏ người dân gắn với kinh doanh trên hè phố, quen thuộc với văn hóa vỉa hè.
Đồng thời, nhu cầu dừng đỗ phương tiện cá nhân bao gồm ô tô của người dân rất lớn, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng. Việc này dẫn đến tình trạng phương tiện đỗ, dừng không đúng nơi quy định.
Từ đó, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng cần tính toán bến đỗ, tuyến đỗ và giải bài toán kinh tế của các hộ dân gắn với bảo đảm văn minh đô thị.