Hà Nội: Kết luận hàng loạt sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ
(Dân trí) - Thanh tra thành phố Hà Nội vừa có kết luận thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong Công viên Tuổi trẻ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Kết luận cho biết, từ năm 1999 đến nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nhưng không làm thủ tục xin giao, thuê đất theo quy định Luật Đất đất đai năm 2003.
Thay vào đó, công ty đã tự sử dụng quyền sử dụng đất để xây dựng công trình và khai thác đối với 18 ha đất công viên là hành vi bị nghiêm cấm.
Hàng loạt công trình sai phạm khó tin
Kết luận chỉ rõ, trong giai đoạn năm 1999-2000, ngân sách thành phố Hà Nội đã cấp khoảng 11,6 tỷ đồng để đầu tư 7 hạng mục, công trình trong công viên gồm: Cầu qua hồ; tôn san nền, phá dỡ và vận chuyển phế liệu; đường nội bộ; cấp thoát nước và hồ thu nước phục vụ phòng cháy chữa cháy; cây xanh thảm cỏ; điện chiếu sáng và cổng ở phía đường Thanh Nhàn.
Ngoài 7 hạng mục công trình trên, từ năm 2000 đến nay, tại Công viên Tuổi trẻ không có công trình nào được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Tại thời điểm thanh tra, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội không tập hợp được đầy đủ hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng của 7 hạng mục, công trình nêu trên để cung cấp cho Thanh tra Thành phố Hà Nội.
Công ty này chỉ được UBND Thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong công viên, không được UBND Thành phố giao quản lý, sử dụng đất trong công viên nhưng đã sử dụng vốn doanh nghiệp, vốn huy động từ bên ngoài để xây dựng một số công trình, hạng mục sử dụng vào mục đích kinh doanh, liên doanh với một số đơn vị và cho thuê đất để đầu tư xây dựng các công trình trong công viên.
Cụ thể là sử dụng vốn của doanh nghiệp xây dựng 2 công trình hạ tầng (hệ thống thoát nước, tượng đài Võ Thị Sáu) không xin phép xây dựng, không có dự toán, quyết toán.... Hiện nay công trình tượng đài Võ Thị Sáu không phù hợp với quy hoạch 2010 nhưng chưa bị tháo dỡ.
Trong giai đoạn từ năm 2001-2008, ông Đinh Văn Khoan - Giám đốc công ty đã sử dụng vốn huy động để đầu tư xây dựng các công trình, gồm: 6 hạng mục hạ tầng (đổ san lấp mặt bằng, tường rào quanh xóm liều và đường Võ Thị Sáu, cổng chính đường Võ Thị Sáu, cây xanh thảm cỏ bồn hoa, đường bê tông, hệ thống chiếu sáng); 12 công trình xây dựng sử dụng vào mục đích kinh doanh như nhà đa năng, nhà hàng Tuổi trẻ, nhà dạy nghề, nhà hàng Queen Bee; 10 sân tennis, bể bơi người lớn - trẻ em; Khu nhà nổi, tàu cao tốc; Trò chơi phi thuyền; Đài phun nước; Nhà trò chơi băng kính; Sân khấu ngoài trời.
Công ty này không cung cấp được đầy đủ hồ sơ pháp lý của 18 công trình nêu trên. Về việc này, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán công ty năm 2008 đã từng kết luận: Các hạng mục đầu tư không đảm bảo hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng theo quy định, thiếu báo cáo đầu tư quyết định phê duyệt dự án, không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán, không có giấy phép xây dựng, không tổ chức đấu thầu, một số hạng mục không có một hồ sơ pháp lý nào,… vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý đầu tư xây dựng, vi phạm Luật Xây dựng năm 2004. Trách nhiệm chính với các sai phạm thuộc cá nhân ông Đinh Văn Khoan- nguyên Giảm đốc Công ty.
Tại thời điểm thanh tra đã phá dỡ 8 công trình do sai quy hoạch, gồm: Nhà đa năng, Nhà hàng Tuổi trẻ, 10 sân tennis, sân khấu ngoài trời, Tàu cao tốc, Trò chơi phi thuyền, Đài phun nước, Nhà trò chơi bằng kính.
Hiện tại còn 4 công trình chưa dỡ bỏ gồm: Nhà hàng Queen Bee II, Nhà dạy nghề, Bể bơi người lớn - trẻ em, Khu nhà nổi.
Trong đó, Thanh tra Hà Nội cho biết, Nhà hàng Queen Bee II có thỏa thuận với Sở Quy hoạch Kiến trúc về quy hoạch và phương án thiết kế, có thẩm định thiết kế, không có chấp thuận chủ trương đầu tư của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và không được UBND Thành phố giao, cho thuê đất; được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng đối với công trình hồ tạo sóng cầu trượt nước (là hạng mục thuộc nhà hàng).
Từ năm 2006, sau khi xây dựng xong, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội ký hợp đồng cho Công ty TNHH quản lý Đầu tư và Đào tạo thuê kinh doanh bán hàng, tổ chức tiệc cưới nhưng không đóng tiền thuê đất với Nhà nước. Công trình không phù hợp với quy hoạch năm 2010.
Ngày 25/10/2017, UBND quận Hai Bà Trưng báo cáo đề xuất UBND Thành phố cho giữ nguyên hiện trạng và được chấp thuận tại văn bản số 10962/VP-DT ngày 20/11/2017.
Nhà dạy nghề TTHT (Trung tâm Hợp tác lao động quốc tế), xây dựng năm 2001, công trình cao 2 tầng, không có thỏa thuận với Sở Quy hoạch và Kiến trúc về quy hoạch và phương án thiết kế, không có thẩm định thiết kế, không được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng, không có chấp thuận chủ trương đầu tư của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và không được UBND Thành phố giao, cho thuê đất.
Năm 2017, quận Hai Bà Trưng đề xuất với Thành phố Hà Nội cho giữ nguyên hiện trạng và được chấp thuận. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội ký hợp đồng cho các đơn vị, cá nhân (Công ty TNHH phát triển công nghệ và thực phẩm Sơn Hà; Cửa hàng phụ tùng ô tô Hải Anh; ông Vũ Trung Trực; Công ty TNHH Minh Production Việt Nam; Công ty TNHH Truyền thông và tổ chức sự kiện Thiên thần, bà Lê Thị Thu Hà) thuê sử dụng làm văn phòng giao dịch.
Đối với bể bơi người lớn trẻ em, năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội đã chấp thuận giữ nguyên hiện trạng công trình. Tuy nhiên, ngày 8/1/2019, Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội có kết luận số 64 với nội dung: “Ngày 07/12/2018 Sở Quy hoạch - Kiến Trúc có văn bản số 7593/QHKT- KHKT xác nhận bể bơi ngoài trời sai quy hoạch, nhà tạm 01 tầng 300m2; tầng 2: 150 m2”. Hiện nay công trình do ông Phạm Bá Tiến khai thác sử dụng vào mục đích kinh doanh bể bơi nhưng không đóng tiền thuê đất với Nhà nước từ năm 2005.
Đụng đâu sai đó
Về công trình nhà hát ngoài trời (Cung Xuân) đầu tư theo chủ trương xã hội hóa, Thanh tra Hà Nội cho biết, tháng 12/2010, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội ký Hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ tổng hợp Hai Bà Trưng, thời hạn hợp đồng là 25 năm từ ngày ký.
Dự án được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận về quy hoạch và phương án kiến trúc, được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế và được UBND quận Hai Bà Trưng cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, công trình không làm thủ tục thẩm định dự án, chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2010.
Hiện nay vẫn tồn tại 2 thang máy phía ngoài tại Nhà hát ngoài trời có mái che xây dựng sai giấy phép xây dựng.
Công trình thứ hai là Nhà thi đấu tennis 1500 chỗ. Ngày 10/3/2008, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội ký Hợp đồng hợp tác liên doanh với Công ty cổ phần xây dựng Thương mại- Dịch vụ Lan Anh; thời hạn hợp đồng là 30 năm từ ngày ký.
Công trình không làm thủ tục thẩm định dự án, chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất nhưng UBND quận Hai Bà Trưng đã cấp phép xây dựng. Công ty chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2010.
Thanh tra Hà Nội khẳng định, Công ty cổ phần xây dựng Thương mại- Dịch vụ Lan Anh xây dựng không phép 6 sân tennis (tại vị trí sân của Nhà thi đấu 1.500 chỗ ngồi). Hiện nay cả 6 sân tennis đều do công ty này khai thác sử dụng.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội còn liên doanh với Công ty Cổ phần vận tải Xây lắp Hoàng Hà xây dựng 1 điểm trông giữ xe. Tháng 10/2018, UBND quận Hai Bà Trưng có văn bản yêu cầu dừng mọi hoạt động trông giữ phương tiện và chỉ được trông giữ cho đến khi hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý.
Tuy nhiên hiện nay Công ty Hoàng Hà vẫn đang khai thác sử dụng trông xe ngày đêm nhưng không đóng tiền thuê đất với Nhà nước từ năm 2008.
Thế Kha