Hà Nội: Đội nắng gặt lúa thông trưa, chủ máy đút túi 5 triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Thu nhập của các chủ máy gặt đập liên hợp đạt 5 triệu/ngày. Song, để kiếm được số tiền này họ phải làm việc thông trưa từ 5h đến 20h dưới trời nắng nóng gay gắt.
12h trưa 30/5, dưới cái nắng như đổ lửa, nhiệt độ đo được trên cánh đồng thôn Song Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) hơn 40 độ C, nhưng 6 máy gặt đập liên hợp cỡ lớn vẫn liên tục gầm rú, hoạt động hết công suất. Cùng lúc này, gần 40 người dân thôn Song Khê có mặt ở cánh đồng theo dõi máy đã gặt đến ruộng nhà mình hay chưa.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đối với các thửa ruộng cao, lúa không đổ thì chỉ mất 3-4 phút máy gặt đập liên hợp có thể thu hoạch xong 1 sào.
"Nếu không ra sớm đón máy thì họ sẽ đi qua thửa ruộng nhà mình, nên vừa nghe thấy ông xóm trưởng báo tin có máy về cánh đồng, tôi vội cầm bao chạy ra đây đứng đợi", bà Nguyễn Thị Bích (55 tuổi, trú thôn Song Khê) đứng chờ máy gặt giữa trưa nắng nói.
Điều khiển máy gặt một cách điêu luyện qua những thửa ruộng trũng, anh Lê Văn Khánh (27 tuổi, quê Nghĩa Hưng, Nam Định) nói lớn: "Nắng nóng như này mà sơ sẩy một chút là hỏng việc ngay, máy bị sa lầy phải mất 1-2 tiếng mới lên được".
Anh Khánh chia sẻ, chiếc máy gặt đập liên hợp nhãn hiệu Kubota DC-70 được anh mua cách đây hơn một năm với giá gần 600 triệu đồng. Để sớm thu hồi vốn, anh Khánh thuê thêm 2 người phụ việc quê Gia Lai đưa máy đi gặt ở nhiều nơi như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa...
"Nếu ổn định một ngày máy có thể gặt được 10-12 mẫu, trừ các chi phí thu về khoảng 5 triệu", anh Khánh bộc bạch.
Anh Khánh nói rằng, việc điều khiển máy gặt qua những thửa ruộng trũng, lúa bị đổ là rất khó, cần nhiều kinh nghiệm. Ở những thửa ruộng này, người điều khiển cần phải quan sát kỹ, phán đoán chuẩn nếu không máy dễ bị sa lầy.
Ông Đào Văn Hải (66 tuổi), bà Lê Thị Hạnh (55 tuổi, trú thôn Song Khê) cùng một số người ngồi tránh nắng dưới gốc cây giữa cánh đồng Song Khê để chờ máy gặt đến ruộng nhà mình. Ông Hải cho biết, thu hoạch vụ lúa chiêm xuân do nắng nóng nên mọi người thường thuê máy về gặt. Giá máy gặt hiện tại ở cánh đồng thôn Song Khê là 120.000 đồng/sào.
Mặc cho trời nắng cháy da, rát mặt nhưng ông Thái Hồng Ngọc (trú thôn Song Khê) liên tục điều khiển xe ba gác từ thửa ruộng này qua thửa khác để chở thóc cho người dân.
"Những ngày này, mỗi chuyến tôi thu của bà con 60.000 đồng, trừ các chi phí một ngày cầm về 1.200.000đ-1.400.000 đồng", ông Ngọc tỏ vẻ phấn khởi nói và thừa nhận việc điều khiển xe ba gác là sai quy định. Song, ông cho rằng đây là phương tiện thuận tiện nhất trong việc chở thóc từ cánh đồng về nhà cho người dân.
Gần 13h, khi máy đã gặt xong thửa ruộng hơn 5 sào, ông Nguyễn Văn Lân (ảnh trái, trú thôn Song Khê) dùng hết sức lực để đưa thóc lên xe ba gác. Ông Lân đánh giá vụ lúa chiêm xuân năm nay sản lượng thu về thấp, chỉ bằng một nửa vụ mùa vừa qua.
"Nhà tôi cấy tất cả hơn 4 mẫu nhưng thu về chỉ khoảng 5 tấn thóc, trừ các chi phí như lân, đạm, thuốc trừ sâu, thóc giống thì lỗ vốn", ông Lân bày tỏ.
Mặc dù nắng, nóng vất vả nhưng ông Đào Văn Khiêm (47 tuổi, quê Gia Lai) và ông Thái Hồng Ngọc lại cảm thấy vui vẻ, phấn khởi vì thu nhập những ngày này cao, ổn định.