1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Đánh tỉa bớt cá, xử lý tảo nổi để hạn chế cá chết ở hồ Tây

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Ngoài việc tăng cường vớt cá chết để đảm bảo vệ sinh môi trường, chính quyền sở tại sẽ thực hiện đánh tỉa cá để giảm mật độ, kết hợp biện pháp xử lý tảo nổi diện rộng nhằm hạn chế cá chết ở hồ Tây.

Sáng 21/11, đại diện UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục nhanh hiện tượng cá chết rải rác, trôi dạt ven hồ Tây.

Hà Nội: Đánh tỉa bớt cá, xử lý tảo nổi để hạn chế cá chết ở hồ Tây - 1

Hình ảnh công nhân được tăng cường để vớt cá chết ở hồ Tây (Ảnh: Thành Trung).

Theo đó, trước mắt, địa phương đã thống nhất với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, Xí nghiệp Thoát nước số 1 tăng cường công tác vớt cá chết, đảm bảo vệ sinh môi trường (tăng tần suất, tăng nhân công, tăng thuyền…). Trong ngày 19/11 đã huy động 7 thuyền có gắn máy, hơn 30 công nhân/ca thực hiện vớt cá chết liên tục từ 4h30 đến 20h.

Bên cạnh đó, quận đã bố trí 2 ca nô và nhân công vớt cá giữa hồ. Việc sử dụng ca nô được địa phương kỳ vọng sẽ có thêm tác dụng sục khí tạo oxy. Ngoài ra, quận đã đôn đốc Công ty Phú Điền vận hành tối đa công suất các máy sục khí trên hồ Tây.

Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết thêm, trong thời gian tới, sau khi được Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT hướng dẫn, quận sẽ thực hiện đánh tỉa giảm mật độ cá trong hồ. Dự kiến, định kỳ 6 tháng, đơn vị chủ trì sẽ triển khai đánh tỉa tất cả cá rô phi, các loài xâm hại và các loài cá không thuộc loài quý hiếm cỡ lớn ra khỏi hồ. Cá được loại bỏ sẽ được xử lý, sử dụng theo quy định như làm thức ăn chăn nuôi, ủ làm phân bón…

Hà Nội: Đánh tỉa bớt cá, xử lý tảo nổi để hạn chế cá chết ở hồ Tây - 2

Quận Tây Hồ đã bố trí 2 ca nô và nhân công vớt cá giữa hồ. Việc sử dụng ca nô được kỳ vọng sẽ có thêm tác dụng sục khí tạo oxy (Ảnh: Thành Trung).

Đồng thời, quận cũng chủ động phối hợp cùng Công ty thoát nước làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để được hướng dẫn biện pháp xử lý tảo nổi diện rộng trên mặt hồ khi thời tiết giao mùa, là nguyên nhân chính gây thiếu oxy cho cá…

"Hiện quận đã phối hợp làm việc với Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN-MT tổ khảo sát, lấy 7 mẫu nước đại diện xung quanh hồ để phân tích nhằm đánh giá chất lượng nước, xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết nhiều trên hồ trong thời gian qua. Sau đó, tùy thuộc vào kết quả quan trắc chất lượng nước, quận sẽ xây dựng phương án xử lý, khắc phục phù hợp" - vị này cho biết thêm.

Hà Nội: Đánh tỉa bớt cá, xử lý tảo nổi để hạn chế cá chết ở hồ Tây - 3

Hình ảnh cá chết nổi trắng xóa bị sóng đẩy dạt vào ven hồ, đoạn phố Quảng An (Tây Hồ) vào sáng 16/11 vừa qua (Ảnh: Hữu Nghị).

Như Dân trí đã phản ánh, từ cuối tháng 9 vừa qua cho đến tháng 11, tại hồ Tây xuất hiện cá chết lác đác rồi trôi dạt vào ven hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên.

Theo Sở Xây dựng, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân, bao gồm: thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm, khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo... gây ra), cá bị bệnh...

Trước thực trạng cá tiếp tục chết rải rác trôi dạt vào ven hồ Tây bốc mùi hôi, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo chính quyền sở tại chủ động phối hợp với các Sở, ngành khắc phục.

Được biết, từ tháng 9/2016 đến nay, công tác quản lý khai thác hồ Tây được giao cho 7 sở, ngành thành phố quản lý, đan xen theo lĩnh vực chuyên ngành, không có một đầu mối quản lý thống nhất. Điều này dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thực hiện quản lý hồ; khó khăn, bất cập khi tổ chức khai thác, bảo vệ các giá trị của hồ Tây.

Hiện Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp với sở, ngành có liên quan tham mưu ban hành quyết định về Quy định quản lý hồ Tây, trong đó, UBND quận Tây Hồ sẽ là đầu mối trong việc quản lý, khai thác hồ này.