1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội “dẫn đầu” cả nước về số lượt đoàn đông người tập trung khiếu kiện, tố cáo

(Dân trí) - Số đoàn đông người tập trung khiếu kiện tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương trong năm 2018 là 468, trong đó địa phương có nhiều lượt đoàn khiếu nại, tố cáo đông người gồm có Hà Nội (120); TPHCM (44); Bắc Giang, Hưng Yên (29); Hải Phòng (26); Đồng Nai, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh (10).

Báo cáo tổng kết năm 2018 của Ban Tiếp công dân Trung ương cho thấy, tình trạng công dân tập trung đông người trên địa bàn thủ đô Hà Nội, căng khẩu hiệu, biểu ngữ trên các đường phố và tại trụ sở các cơ quan Trung ương gây mất trật tự công cộng diễn ra thường xuyên hơn nhằm tạo sức ép yêu cầu các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp trao đổi với người dân khiếu kiện tại Thủ Thiêm, TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp trao đổi với người dân khiếu kiện tại Thủ Thiêm, TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Lãnh đạo, công chức Ban Tiếp công dân Trung ương bị đe doạ

Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, tình hình an ninh trật tự cơ bản được đảm bảo, công dân đến khiếu kiện được đón tiếp, hướng dẫn đúng quy định pháp luật. Mặc dù vậy vẫn còn có nhiều trường hợp công dân khiếu kiện có hành vi gây rối, lăng mạ, mạt sát, xúc phạm danh dự cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân khi không đạt được mục đích, quay phim, chụp ảnh đăng tải lên các trang mạng xã hội.

Một số trường hợp công dân đã dùng xăng tự thiêu, đe dọa tự thiêu, bị ngất phải đưa đi cấp cứu trước cổng Trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Đặc biệt một số công dân khiếu kiện đã gọi điện, nhắn tin đe dọa đến lãnh đạo, công chức của Ban Tiếp công dân Trung ương, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, công chức, người lao động đang làm việc tại đây…

Trước tình hình trên, Trụ sở Tiếp dân Trung ương đã phối hợp với lực lượng an ninh, bảo vệ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục công dân chấp hành nghiêm nội quy.

Trước các kỳ họp của Trung ương và Quốc hội, Trụ sở đã phối hợp với lực lượng công an thống kê số công dân khiếu kiện thường xuyên đeo bám tại các địa điểm xung quanh khu vực và một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội, liên hệ với UBND các tỉnh, thành phố để có biện pháp vận động công dân trở về địa phương, tránh những diễn biến phức tạp trong thời gian diễn ra kỳ họp.

Hà Nội có tới 120 lượt đoàn khiếu kiện đông người

Trong năm 2018, Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã tiếp 17.101 lượt người. Trong đó, Hà Nội có gần 15.000 lượt (chiếm 87,3%), TPHCM 2.176 lượt (chiếm 12,7%) đến trình bày 4.600 vụ việc (Hà Nội gần 4.000 việc, TPHCM trên 600 việc).

Số đoàn đông người tập trung khiếu kiện tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương là 468, trong đó địa phương có nhiều lượt đoàn khiếu nại, tố cáo đông người gồm có: Hà Nội (120); TPHCM (44); Bắc Giang, Hưng Yên (29); Hải Phòng (26); Kiên Giang (18); Bắc Ninh (17); Tiền Giang (16); Long An (12); Thái Bình (11); Đồng Nai, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh (10).

Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết, “nổi bật” là đoàn 50 công dân trú tại xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, giải quyết quyền lợi đối với 445 hộ dân liên quan đến Dự án Nhà máy bia Tiger. Trụ sở đã tiếp và hướng dẫn công dân gửi đơn đến UBND huyện Thường Tín để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đoàn 160 công dân trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội phản ánh những sai phạm liên quan đến việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác chợ Kim (xã Xuân Nộn) không thông báo cho các hộ đang kinh doanh tại chợ việc chuyển đổi mô hình chợ, có hành vi giả mạo chữ ký của các hộ dân trong việc lập danh sách các hộ đang kinh doanh, sai phạm trong việc quản lý và sử dụng đất tại chợ Kim.

Đoàn 100 công dân trú tại phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phản ánh một số nội dung liên quan đến việc chính quyền địa phương tự ý chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ Trung Sơn Trầm nhưng không bàn bạc lấy ý kiến của nhân dân, việc đấu thầu, ký hợp đồng cho thuê ki ốt kinh doanh tại chợ có nhiều khuất tất gây bất bình cho các tiểu thương.

Hoặc như đoàn gồm 117 công dân trú tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc giải quyết quyền lợi cho các hộ kinh doanh và khắc phục sự cố sau cháy chợ Sóc Sơn xảy ra ngày 21/6/2018. Đoàn 37 công dân trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội) khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại khu ao Thước Thợ để xây dựng công viên thể thao vui chơi Đống Đa giai đoạn 1…

Người dân căng bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm trước cổng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 2 (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Người dân căng bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm trước cổng Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 2 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Tồn tại trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư còn chậm được khắc phục

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, cơ quan này đã kịp thời tham mưu, đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhiều vụ việc phức tạp.

Bên cạnh đó, để hạn chế việc công dân tập trung đông người khiếu nại, tố cáo dài ngày tại Hà Nội, Ban Tiếp công dân Trung ương đã chủ động phối hợp với UBND một số tỉnh, thành phố vận động công dân trở về và tổ chức tiếp tại địa phương. Cụ thể là các công dân thuộc Quận 2, TPHCM liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; một số công dân tỉnh An Giang thường xuyên có mặt ở Hà Nội để khiếu kiện; một số công dân phường Hồng Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; một số công dân xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM,…

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tiếp tục được nâng lên, khẳng định được vai trò, trách nhiệm của Ban Tiếp công dân Trung ương trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong phạm vi cả nước.

Tuy vậy, những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư còn chậm được khắc phục. Công tác theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình khiếu nại, tố cáo của địa phương còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo. Việc phối hợp, theo dõi, đôn đốc xử lý các vụ việc chuyển các Cục, Vụ thuộc Thanh tra Chính phủ thực hiện chưa được thường xuyên, kịp thời.

“Một số cán bộ, công chức chưa thực sự chủ động, tập trung nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, tự trau dồi nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp với công dân, thiếu nhiệt tình trong công việc dẫn đến kết quả còn hạn chế”- cơ quan này thừa nhận.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm