1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội có thể cân nhắc điều chỉnh mẫu giấy đi đường

(Dân trí) - Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, việc thực hiện theo mẫu giấy đi đường đã ban hành chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng cấp giấy không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng,...

Hà Nội có thể cân nhắc điều chỉnh mẫu giấy đi đường - 1

Ông Vũ Ngọc Ninh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Phúc La kiểm tra đo thân nhiệt những người ra vào khu dân cư. (Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN).

Thời gian qua, dư luận đồng tình việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kịp thời ban hành mẫu giấy đi đường chung. Nhưng việc để tình trạng người dân ra đường nhiều, vẫn đông người đến làm việc tại cơ quan thì cần được nhìn nhận, sớm điều chỉnh.

Cần xem xét vấn đề này ở hai khía cạnh, một mặt người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần gương mẫu, tự giác và có trách nhiệm cao đối với chữ ký của mình. Nhưng mặt khác, phía chính quyền, lực lượng chức năng phường xã, quận huyện cần thực hiện việc kiểm tra tại các cơ quan thường xuyên, liên tục và nghiêm minh. Vì vậy, muốn giấy đi đường được thực hiện đúng thì cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đề cao tính chịu trách nhiệm và tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm minh.

Có ý kiến đề xuất giải pháp như sau: Mỗi cơ quan đơn vị cần có bản báo cáo về tổng số cán bộ, nhân viên và lên phương án làm việc cho những vị trí thiết yếu, cấp bách, từ đó lập danh sách đi làm theo ngày, theo ca. Dựa trên danh sách này, cơ quan đơn vị sẽ cấp giấy đi đường theo nhiệm vụ được phân công.

Danh sách cũng được gửi cho chính quyền sở tại và các lực lượng chức năng để kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất tại các phòng, ban để rà soát đối tượng theo danh sách. Nếu việc vi phạm được ghi nhận, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm theo quy định về phòng, chống dịch.

Trường hợp có người đi làm không đúng theo phương án được trình, nếu làm lây lan dịch bệnh nơi cơ quan công sở thì phải xử lý trách nhiệm của cả cán bộ và người đứng đầu. Nếu làm nghiêm được việc này, sẽ nâng cao được ý thức cũng như hạn chế được các thủ tục rườm rà không cần thiết.

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, ngày 7/8, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ban hành văn bản về việc tăng cường kiểm soát người tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đề xuất phương án cấp bách là giấy đi đường cần có xác nhận của chính quyền phường sở tại để kiểm soát tốt việc đi lại.

Điểm đáng chú ý tại công văn là: "Các phường sẽ tiếp nhận đăng ký, quản lý danh sách của đơn vị và xem xét, phê duyệt giấy đi đường của từng cá nhân đảm bảo đúng đối tượng được làm việc. Hình thức phê duyệt: ký xác nhận, đóng dấu vào góc dưới bên trái giấy đi đường".

Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng yêu cầu Công an, Đội thanh tra giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các phường chỉ đạo lực lượng thuộc đơn vị tại chốt kiểm soát kiểm tra đầy đủ, yêu cầu xuất trình kèm theo giấy đi đường, căn cước công dân, văn bản của công ty, đơn vị sử dụng lao động.

Như vậy, giấy đi đường do các cơ quan, đơn vị ký đóng dấu lâu nay theo mẫu ban hành chung của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội còn phải có dấu xác nhận của Ủy ban nhân dân phường sở tại, nơi cơ quan xác nhận đóng trụ sở.

Vấn đề này cũng đang có nhiều ý kiến đa chiều; trong đó có ý kiến đồng tình hưởng ứng, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn cho rằng văn bản Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng chưa theo quy chuẩn mẫu chung của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành đang sử dụng trong đợt giãn cách vừa qua. Điều này dẫn tới rất bị động cho các cơ quan và cán bộ đi làm, nhất là trong thời gian ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật chưa thể xác nhận.

Hà Nội có thể cân nhắc điều chỉnh mẫu giấy đi đường - 2

Phường Phúc La là phường đầu tiên trong quận Hà Đông triển khai mô hình Tổ dân phố tự quản bảo vệ "vùng xanh". (Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN).

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng lý giải: Quận thấy được tình trạng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chưa thực hiện khai báo phương án, lượng người đi làm đúng theo tinh thần Chỉ thị số 17 của Ủy ban nhân dân thành phố. Thậm chí, nhiều nơi, nhiều công ty, đơn vị còn dễ dãi trong việc nhận xét cấp giấy đi đường, nên việc một người đi qua chốt kiểm soát dịch rất đơn giản, ai cũng có thể xuất trình giấy được. Vì vậy, quận đang đề xuất  giải pháp khẩn trước mắt là giấy đi đường cần có xác nhận của phường để kiểm soát bước đầu.

Trước vấn đề này, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ báo cáo với Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố để xem xét, cân nhắc, điều chỉnh áp dụng các cách làm hay để nhân ra diện rộng cho phù hợp. Thành phố cũng nhận thấy, thời gian qua nhiều cơ quan đơn vị vẫn chưa nghiêm túc trong việc bố trí phương án nhân sự đi làm, không ít nơi nhận xét giấy đi đường tràn lan, thiếu kiểm soát chặt nên chưa thực hiện tốt tinh thần của Chỉ thị số 17, mà tới đây là đợt giãn cách rất quan trọng theo Công điện số18 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo Công an thành phố Hà Nội, tính từ 11h ngày 6/8 đến 11h ngày 7/8, tại 23 chốt kiểm soát các cửa ngõ ra vào Thủ đô, lực lượng chức năng kiểm soát tại các chốt đã phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 842 trường hợp vi phạm hành chính các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền phạt gần 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tại 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào Thủ đô, lực lượng trực chốt cũng được tăng cường để kiểm soát cả hai chiều ra và vào thành phố.Đối với chiều ra khỏi thành phố, ngoài trường hợp thực hiện công vụ hoặc có giấy xác nhận cho phép của cấp có thẩm quyền, các trường hợp khác đều được yêu cầu quay trở lại. 
Trong những ngày tới, nhằm thực hiện nghiệm Công điện số 18/CĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h giờ ngày 23/8 trên phạm vi toàn thành phố, Công an Thủ đô sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.