Hà Nội có 1 quận và 176 xã, phường thuộc diện sáp nhập

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, giai đoạn 2023-2030, Hà Nội có 1 quận và 176 xã, phường thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính. Địa phương cần thực hiện sớm theo quy định.

Chiều 25/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sẽ có 3 vấn đề liên quan đến Hà Nội, gồm: sửa đổi Luật Thủ đô; báo cáo việc thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 97 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Hà Nội có 1 quận và 176 xã, phường thuộc diện sáp nhập - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Kinh tế đô thị).

Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, ông Định cho biết Hà Nội có 1 quận và 176 xã, phường (tại 26 quận, huyện, thị xã) thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính. Ông đề nghị Hà Nội cần thực hiện sớm theo quy định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với việc sửa đổi Luật Thủ đô, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo mở rộng thêm 9 chính sách, trong đó, ông nhấn mạnh phải có phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng trọng tâm là phân quyền, giao quyền của Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành cho Hà Nội và đơn vị hành chính trực thuộc.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Ông Tùng chia sẻ Thường trực Ủy ban Pháp luật quan tâm đến công tác luật hóa mô hình chính quyền các cấp của Hà Nội, bao gồm mô hình chính quyền đô thị và tổ chức hoạt động của HĐND thành phố theo Nghị quyết của Quốc hội.

Về quy định đặc thù về thành lập một số đơn vị chuyên môn thuộc cấp thành phố và cấp huyện, Ủy ban Pháp luật ủng hộ phân cấp mạnh hơn, trao thẩm quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố trong quyết định tổ chức bộ máy, biên chế của thành phố. Bên cạnh đó, phải gắn với trách nhiệm và kiểm soát việc thực hiện.

Theo ông Tùng, việc lớn nhất mà thành phố cần quan tâm trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là sự chủ động về tổ chức bộ máy, biên chế; xác định cải cách, đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính để đột phá. Từ đó, huy động được nguồn lực bên ngoài để phát triển thành phố trong giai đoạn tới.

Hà Nội có 1 quận và 176 xã, phường thuộc diện sáp nhập - 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Quốc hội).

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, trong bối cảnh rất khó khăn, Hà Nội đã thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, đạt được kết quả khá toàn diện.

"Các cụ nói "ngắn sào dễ trở", nhưng quy mô của Hà Nội lớn mà thành phố xoay xở được trong bối cảnh khó khăn như vừa qua là rất tốt", ông Huệ đánh giá.

Thống nhất về mặt nguyên tắc đối với các quan điểm xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Luật sửa đổi phải giúp phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế lớn của cả nước.

Nơi đây cũng phải đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Thủ đô phải quy định những vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, xác định rõ nhu cầu của đô thị đặc biệt, phân quyền để thực hiện hiệu quả nhất các nhu cầu quản trị và phát triển Thủ đô theo định hướng của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội tiếp tục tham vấn ý kiến rộng rãi để hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đúng tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".