(Dân trí) - Những ngôi quán cổ ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) có chức năng rất khác lạ, không giống với chức năng thông thường là nơi dừng nghỉ cho dân người đi làm đồng về hay khách lỡ độ đường...
Hà Nội: Bí ẩn những ngôi quán cổ dành cho "người đã khuất" ở làng Đường Lâm
Những ngôi quán cổ ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) có chức năng rất khác lạ, không giống với chức năng thông thường là nơi dừng nghỉ cho dân người đi làm đồng về hay khách lỡ độ đường...
Quán Rô nằm gần vị trí cổng làng, trên con đường chính dẫn vào làng Mông Phụ. Quán không có chức năng trú chân tránh mưa nắng hay nghỉ ngơi cho dân làng. Đây là nơi dành cho người đã mất, trong một thời gian ngắn.
Theo lệ làng Mông Phụ, bất kể là ai có địa vị hay thường dân, không may bị tử vong ngoài phạm vi làng thì không được mang thi hài vào làng. Người đã khuất được mang về làng chôn cất phải quàn tại quán Rô hoặc các quán khác bên ngoài cổng làng. Mọi thủ tục phúng viếng đều diễn ra ở đây trước khi mai táng tại nghĩa trang. Sự nghiêm ngặt này có từ bao giờ, không ai biết.
Theo tập tục từ cổ xưa ở đây, nếu mang người chết vào sẽ bị "động làng". Làng Mông Phụ hiện còn 3 ngôi quán: Quán Rô, quán Lồ Biêu, quán Đồng Nẳng và đều chỉ dành để quàn thi hài người quá cố trước khi mai táng.
Quán Rô thời kỳ quân đội Mỹ đánh phá miền Bắc 1972 từng là nơi quàn thi hài một phi công Mỹ trước khi chôn cất ở nghĩa trang của làng Mông Phụ. Sau chiến tranh, thi hài phi công này được đưa trở về Mỹ.
Quán Lồ Biêu cũng nằm ở vị trí ngoài đồng, ven con đường mòn dẫn vào làng Mông Phụ. Đây là công trình còn khá nguyên vẹn và có kiến trúc đẹp nhất so với các ngôi quán khác.
Bên trong quán Lồ Biêu.
Nhìn chung các quán ở xã Đường Lâm đều ở vào vị trí thuận tiện giao thông, cũng như đình, điếm, đền, miếu… quán là công trình công cộng của mỗi làng, là một phần thiết yếu trong cơ cấu đời sống xã hội của cộng đồng cư dân.
Hiện nay trên địa bàn xã Đường Lâm còn tồn tại khá nhiều ngôi quán cổ, quán nào cũng có mái ngói, nền lát gạch sạch sẽ, "kín trên bền dưới".
Quán Lồ Biêu dù là một công trình mang tính tâm linh song phía bên trong lại không có bát nhang hay bệ thờ.
Quán Đồng Nẳng nằm ở phía sau làng Mông Phụ, đã được tu sửa nhiều lần. Trước đây quán là nơi dừng chân của tuần canh. Hai bên hồi có sàn gỗ để nghỉ qua đêm, nhưng nay không còn.
Bên trong quán Đồng Nẳng.
Quán Giang hiện nay thuộc địa phận của làng Phụ Khang (xã Đường Lâm). Song, đa số ý kiến cho biết do dân làng Mông Phụ và thân nhân của cụ Thám Hoa Giang Văn Minh xây dựng. Quán Giang gắn liền với việc mai táng cụ Giang Văn Minh tại quê nhà.
Khi hay tin Thám hoa Giang Văn Minh mất, dân làng Mông Phụ cho xây dựng quán Giang để đón cụ về. Sau đó thi hài Thám hoa Giang Văn Minh được quàn tại đây để phúng viếng trước khi chôn cất.
Trải năm tháng thời gian, quán Giang qua nhiều lần sửa chữa nên không ai còn nhớ rõ cụ thể được niên đại xây dựng, chỉ áng chừng vào nửa đầu thế kỷ XVII.
Quán Giang dưới ánh hoàng hôn trên cánh đồng làng Phụ Khang.