Hà Nội báo cáo Bộ Giáo dục vụ học sinh lớp 12 bị hủy giấy khai sinh
(Dân trí) - UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có hướng giải quyết cho vụ việc một học sinh lớp 12 bị thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh khi sắp bước vào các kỳ thi quan trọng.
Liên quan đến vụ việc em T.H.N (học sinh lớp 12 ở Hà Nội) bị hủy giấy khai sinh mà Dân trí phản ánh trong thời gian dài, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã ký văn bản gửi Bộ GD-ĐT đề xuất hướng giải quyết.
Theo văn bản này, em Zhang HaoRan, sinh năm 2006 tại Trung Quốc và được cấp giấy khai sinh, hộ chiếu tại nước này.
Ngày 26/8/2008, bà Đỗ Hồng Diệp (mẹ ruột em Zhang HaoRan; bố là người Trung Quốc) có tờ khai thông tin kèm hồ sơ để thực hiện ghi chú khai sinh đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, gửi tới Sở Tư pháp Hà Nội.
Ngày 3/9/2008, Sở Tư pháp Hà Nội ghi chú khai sinh và cấp Giấy khai sinh số 22, quyển số 02, cho em T.H.N (tên tiếng Việt), ghi quốc tịch Việt Nam.

Bà Đỗ Hồng Diệp lo lắng cho tương lai của con trai đang học lớp 12 khi Hà Nội hủy bỏ, thu hồi giấy khai sinh đã cấp năm 2008 nhưng đến nay chưa rõ hướng giải quyết (Ảnh: Thế Kha).
Gần 16 năm sau, ngày 25/1/2024, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) có công văn cho rằng Sở Tư pháp Hà Nội thực hiện ghi chú khai sinh cho em T.H.N. như trên là không đúng quy định tại Điều 55 Nghị định số 158/2005 của Chính phủ.
Từ cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra quyết định bãi bỏ ghi chú khai sinh và thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh đã cấp năm 2008 cho em T.H.N..
Tại văn bản gửi tới Bộ GD-ĐT, UBND TP Hà Nội cho biết các học bạ từ bậc tiểu học, THCS, THPT ghi tên em T.H.N. do các trường học trên địa bàn Hà Nội cấp; thông tin về mã định danh trên cơ sở dữ liệu và mã ngành.
Để giải quyết hậu quả vụ việc, Sở Tư pháp đã có những trao đổi với Sở GD-ĐT Hà Nội.
Vào tháng 11/2024, trên cơ sở kết quả trao đổi với các cơ quan có liên quan và được sự nhất trí của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có văn bản đề nghị Sở Tư pháp Hà Nội chủ động phối hợp với Sở GD-ĐT tham mưu UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ GD-ĐT về việc em Zhang HaoRan từng được cấp giấy khai sinh với tên gọi là T.H.N, quốc tịch Việt Nam.
Việc đó làm cơ sở để Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép em T.H.N. được công nhận kết quả học tập và tham gia thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào các trường đại học của Việt Nam với tên Zhang HaoRan.
Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét, cho phép T.H.N. được công nhận kết quả học tập và tham gia thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào các trường đại học của Việt Nam với tên Zhang HaoRan; đồng thời điều chỉnh thông tin trong hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.

Sở Tư pháp Hà Nội cấp Giấy khai sinh cho cháu T.H.N vào năm 2008 (Ảnh: Thế Kha).
Ngày 11/4, thông tin với phóng viên Dân trí, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội nói đến nay chưa nhận được ý kiến chính thức từ phía Bộ GD-ĐT về hướng giải quyết vụ việc và không rõ đề xuất trên của Hà Nội có được chấp thuận hay không.
Trong khi đó, bà Đỗ Hồng Diệp phản ánh cả gia đình đều đang rất nóng ruột, bồn chồn lo lắng trước việc chậm trễ trả lời, giải quyết của cơ quan chức năng.
Đầu tháng 11/2024, em T.H.N. gửi thư tới Bí thư Thành ủy Hà Nội kể lại câu chuyện mà gia đình mình đang gặp phải, đồng thời bày tỏ những lo lắng cho tương lai phía trước.
"Gia đình cháu đã cố gắng rất nhiều, nhưng hiện tại sự việc đang bế tắc, vẫn không có bất cứ đơn vị nào đứng ra giải quyết sự việc của cháu. Đôi khi, cháu cảm thấy vô cùng tủi thân, mất hy vọng và lo lắng cho tương lai của mình. Năm nay cháu đã học lớp 12, chuẩn bị thi đại học. Vậy nếu không có giấy khai sinh, không có căn cước, cháu sẽ thi đại học bằng cách nào ạ?", T.H.N. viết trong thư.