1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Giang "khoe" cam sành, chè shan tuyết với người Hà Nội

(Dân trí) - Với quy mô 24 gian hàng, tối (24/12), những đặc sản nông nghiệp như: cam sành, chè shan tuyết, mật ong bạc hà, dược liệu, thổ cẩm dân tộc, gạo già dui, miến dong… của tỉnh Hà Giang đã được giới thiệu đến người tiêu dùng tại Hà Nội.

Đây là sự kiện thuộc “Tuần lễ cam sành, các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang năm 2019” tại Hà Nội. Tới dự sự kiện này có lãnh đạo Bộ Công Thương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hà Nội và lãnh đạo của tỉnh Hà Giang.

Hà Giang khoe cam sành, chè shan tuyết với người Hà Nội - 1

Khai trương tuần hàng sản phẩm cam sành, sản phẩm Ocop và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang niên vụ 2019-2020, tại Hà Nội.

Hà Giang hiện là địa phương có sản lượng chè đứng thứ 3 cả nước và có vùng cam lớn nhất các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. 

Ông Phan Quốc Thắng ở hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ vi sinh của xã Tiên Yên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang - cho biết: "Sản phẩm hữu cơ có giá trị sẽ khác với sản phẩm thông thường. Như ở hội chợ này, tỉnh Hà Giang tổ chức quảng bá thương hiệu và chất lượng để khẳng định cho người tiêu dùng phân biệt đâu là sản phẩm sạch đâu là sản phẩm không sạch".

Hà Giang khoe cam sành, chè shan tuyết với người Hà Nội - 2

Gian hàng cam sành của HTX nông nghiệp hữu cơ vi sinh của xã Tiên Yên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Hà Giang khoe cam sành, chè shan tuyết với người Hà Nội - 3

Bưởi kỳ đà.

Theo ông Trần Việt Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang, tuần lễ hướng đến xúc tiến thương mại, góp phần tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch, dịch vụ cho tỉnh Hà Giang, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Đồng thời là dịp để Hà Giang giới thiệu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi giới thiệu, quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương. Theo đó, tuần lễ sẽ tập trung vào thúc đẩy, gắn kết giao thương, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản, gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác thúc đẩy tiêu thụ ổn định sản phẩm nông sản có chất lượng của tỉnh Hà Giang:

"Để nâng cao giá trị sản phẩm, Sở cùng phối hợp với ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân công nghệ chế biến. Thực tế vừa qua cho thấy khi sản phẩm được đóng gói bao bì có tem truy xuất giá trị hàng hóa tăng lên từ 20% đến 30%. Ngày nay yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao, vì vậy chỉ có hỗ trợ bà con làm như vậy thì mới nâng được giá trị sản phẩm và tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng" - ông Thế cho biết.

Hà Giang khoe cam sành, chè shan tuyết với người Hà Nội - 4
Hà Giang khoe cam sành, chè shan tuyết với người Hà Nội - 5

Cam sành và các sản vật nông nghiệp tiêu biểu mà tỉnh Hà Giang đưa xuống Hà Nội giới thiệu cho người tiêu dùng.

Đến nay, tỉnh Hà Giang đã phân hạng sản phẩm OCOP – mỗi xã 1 sản phẩm cấp tỉnh cho 69 sản phẩm của 43 chủ thể đạt từ 50 điểm trở lên, gồm 21 sản phẩm xếp hạng 4 sao; 48 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Đặc biệt, có 2 sản phẩm đạt 90 điểm trở lên được cơ quan chuyên ngành đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phân hạng cấp quốc gia, gồm: Trà xanh, Hồng trà của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm