Góp ý Đại hội Đảng XII: "Cần thay đổi thái độ về vấn đề Dân chủ"
Các chuyên gia khẳng định, lịch sử phát triển loài người, dân chủ là xu hướng, là quy luật dù trải qua thời kỳ nào. Tuy nhiên, thái độ về dân chủ của chúng ta còn “có vấn đề”.
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII trong tiêu đề có nhấn mạnh đến vấn đề dân chủ “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định…”
Theo nhiều chuyên gia, việc đưa nội dung phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa vào dự tiêu đề dự thảo Văn kiện lần này là một nhận thức rất lớn của Đảng ta về vấn đề dân chủ. Đây cũng là sự cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của xã hội.
Thái độ về dân chủ của chúng ta còn “có vấn đề”?
Quan tâm đến vấn đề dân chủ trong dự thảo Văn kiện, GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam dẫn lại những khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dân chủ, nhân quyền và tự do là xu thế khách quan và cũng là xu thế không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Việt Nam không phải là ngoại lệ và Việt Nam đã thừa nhận xu thế này.
GS.TS Hồ Sỹ Quý cho rằng, những tư tưởng này được đông đảo cán bộ và nhân dân trong nước, kiều bào nước ngoài và bạn bè quốc tế, kể cả những người gần đây thường có tiếng nói trái chiều, đón nhận với tâm trạng tích cực, đánh giá cao, đặt nhiều hy vọng. Vấn đề là thái độ về dân chủ của chúng ta còn “có vấn đề”.
GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, dân chủ hóa xã hội là quá trình làm cho các quan hệ và hoạt động xã hội mang tính dân chủ, là quá trình người dân tham gia và quyết định các mặt của của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ nhằm phục vụ cho lợi ích của chính người dân.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Dự thảo Báo cáo chính trị Văn kiện của Đảng xác định: “Đẩy mạnh dân chủ hoá xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”. Như vậy, dân chủ hóa xã hội là điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tư cách là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng là nơi tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội…
Cần thay đổi thái độ về vấn đề dân chủ
GS.TS Hồ Sỹ Quý nhấn mạnh “Cần thay đổi thái độ về vấn đề dân chủ. Từ sự nghi ngại chuyển sang chủ động nắm bắt thì sẽ mang lại phương thức rất hữu hiệu trong quản lý, điều hành. Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý vĩ mô cần phải nắm lấy “vũ khí dân chủ”, học cách sử dụng văn hóa dân chủ, dùng dân chủ như là phương thức quản lý và điều tiết xã hội. Lâu nay chúng ta cũng từng nghe và bàn luận về việc nắm lấy “vũ khí dân chủ”, nhưng trong một số trường hợp lại là để cản trở dân chủ. Những tưởng là như thế có lợi, hóa ra về lâu dài, ở tầm vĩ mô lại là có hại”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, lịch sử phát triển loài người, dân chủ là xu hướng, là quy luật dù trải qua thời kỳ nào. Với mỗi quốc gia, từng khu vực có sự phát huy dân chủ khác nhau, nhưng trong thời đại hiện nay, với xu thế hội nhập toàn cầu thì phát triển dân chủ là điều tất yếu. Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, dân chủ càng có điều kiện để phát huy dù phương thức ở mỗi quốc gia là khác nhau, tuy nhiên việc lợi dụng dân chủ cũng vì thế có nhiều phức tạp hơn.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân việc phòng chống tham nhũng, đó là cuộc đấu tranh của cả hệ thống chính trị, nhưng kết quả chưa như mong đợi khiến nhân dân bức xúc. Mặt trận cũng đã và đang góp phần vào việc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, để phát huy dân chủ, MTTQ Việt Nam đã đẩy mạnh phương châm lắng nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân nghe và làm cho nhân dân tin. Mặt trận đã định kỳ có tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, có tổng hợp, báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri, khiến nhân dân tin tưởng, tới đây cần tiếp tục phát huy.
Theo Minh Hòa
VOV