1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gỡ rào, giải thoát cho dân

(Dân trí) - Nửa tháng nay, tuyến đường duy nhất dẫn ra trung tâm thủ đô của 2 xã Yên Trung, Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội) bị rào kín. Khi người dân phản đối, những đơn vị trực tiếp rào đường đưa ra lý do rất “chính đáng”!

Con đường hình “ngạc bật” chịu nỗi oan khiên

Chuyện bỗng dưng bị mất đường oái oăm đang diễn ra ngay trên mảnh đất thủ đô Hà Nội. Các cơ quan chức năng đã rốt ráo vào cuộc giải quyết nhưng chưa đem lại được kết quả khả quan.
 
Sáng 19/2, chúng tôi tìm về con đường hình “ngạc bật” này (con đường hình chữ Y), một nhánh của con đường vẫn bị “khóa” im ỉm, cho dù trước đó đúng một ngày đã diễn ra cuộc họp giữa các bên liên quan và chính quyền địa phương nhằm tìm lối đi cho người dân.
 
Gỡ rào, giải thoát cho dân - 1

Bỗng dưng mất đường. (Ảnh: H. Ngân)
 
Hàng trăm người dân địa phương gần như bị nhốt trong xã, muốn đi hướng ra thủ đô thì phải quay xe lại, luồn vào bìa rừng đi vòng một quãng đường dài chừng 20km chằng chịt cây cối, dây leo, cỏ dại. Tất nhiên nguy cơ hỏng xe hoặc xe lao xuống hố là rất dễ xảy ra.

Theo ông Nguyễn Giáp Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình, từ hàng chục năm nay người dân trong vùng muốn đi ra Quốc lộ 21 về Sơn Tây (Hà Nội) có 2 hướng để lựa chọn. Một lối đi qua khu Trung đoàn 916 và một lối đi qua tỉnh lộ 84 ở khu làng văn hóa các dân tộc.

 
Gỡ rào, giải thoát cho dân - 2

Mất đường rồi, phải quay lại luồn bìa rừng vậy. (Ảnh: H. Ngân)
 
Thế nhưng, thời gian qua do một số xe tải hạng nặng cày xới và đổ rác, đổ đất bừa bãi lên đường đi, gây mất trật tự công cộng trong phạm vi thuộc khu vực đất của Trung đoàn 916 nên ngày 2/2/2009, đơn vị này đã phải rào kín tuyến đường để hạn chế sự đi lại của các phương tiện giao thông. (Theo giải thích của Đại tá Nguyễn Xuân Hồng, Chỉ huy trưởng đơn vị 916 tại cuộc họp ngày 18/2).

Bị bịt mất một nhánh đường, người dân và phương tiện lại đổ dồn về tuyến đường 84 đi qua khu làng Văn hóa các dân tộc. Thấy vậy, ngày 5/2/2009, làng Văn hóa cũng tiến hành đổ cọc bê tông, lập hàng rào dây thép gai rào nốt nhánh đường huyết mạch còn lại.

Mất cả hai con đường chính dẫn về thủ đô coi như việc giao thương buôn bán, đi lại của hàng nghìn người dân nơi đây bị bế tắc. Cuộc sống vì vậy bị đảo lộn và lâm vào tình cảnh khó khăn.

 
Gỡ rào, giải thoát cho dân - 3

Nếu không quay xe lại, phải tìm cách luồn như này. (Ảnh: H. Ngân)
 
Các mặt hàng nông sản của người dân làm ra muốn mang đi bán phải đi đường vòng, rất mất thời gian và phải tăng thêm chi phí vận chuyển. Khoản tiền phát sinh này tất nhiên đã “ngốn” vào phần tiền lãi vốn đã ít ỏi. “Mặt khác, lợi dụng việc phải đi đường vòng để vận chuyển hàng hóa vào sâu trong các khu dân cư, một số mặt hàng đã được các lái buôn, người vận chuyển bán hàng đội giá lên, người dân vẫn phải chấp nhận cảnh trái ngang đó”, ông Dần nói.

Họp ba bên để đòi đường cho dân

Trong sự việc hy hữu bị mất đường đi tại hai xã Yên Trung, Yên Bình vừa qua, các cơ quan ngôn luận liên tục lên tiếng phản đối cách hành xử cố chấp của các cơ quan chức năng nói trên.

Ngày 18/2, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đã phải tổ chức một cuộc họp giữa các bên để tiến hành tháo gỡ lối đi cho bà con.

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Văn Hà khẳng định tại cuộc họp: “Đây là con đường huyết mạch giao thương buôn bán giữa miền núi và đồng bằng của xã với các vùng lân cận. Việc các đơn vị tự ý rào đường, ngăn cản không cho người dân đi lại khiến cho kinh tế của địa phương không thể phát triển được. Hơn nữa còn đường này đã tồn tại từ bao thế hệ nay nên không thể tự ý ai thích rào lại thì rào để cấm người dân qua lại”.

 
Gỡ rào, giải thoát cho dân - 4

Tìm cách vượt rào. (Ảnh: H. Ngân)
 
Đại tá Nguyễn Xuân Hồng (đại diện cho Trung đoàn 916) phát biểu: Nhân dân đi lại trên con đường bằng đất của Trung đoàn, Trung đoàn không cấm mà hoàn toàn nhất trí. Vì mối quan hệ của Trung đoàn và bà con nhân dân, UBND xã là rất tốt. Bây giờ bà con nhân dân đề nghị mở đường, đơn vị sẽ cho mở ngay, nhưng nghiêm cấm các xe tải qua lại làm ảnh hưởng đến đơn vị.

Còn ông Phùng Kim Thiệp, trưởng phòng bảo vệ an ninh Ban quản lí dự án làng Văn hóa các dân tộc, thì lý giải: Có 2 lý do khiến làng Văn hóa phải rào đường. Thứ nhất là do làng Văn hóa đang tiến hành thi công xây dựng, muốn hạn chế lượng xe cộ qua lại trên tuyến đường qua làng. Thứ hai, do đơn vị 916 tiến hành rào đường trước đã gây quá tải cho tuyến đường đi qua làng Văn hóa.

 
Gỡ rào, giải thoát cho dân - 5

 
Về phía chính quyền địa phương vẫn khẳng định việc rào đường đã gây khó khăn rất nhiều cho việc đi lại, giao thương buôn bán của bà con, đó là việc làm không chấp nhận được.

Kết thúc buổi họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) một lần nữa khẳng định, tỉnh lộ 84 là con đường giao thông huyết mạch giữa Sơn Tây, huyện Lương Sơn (cũ) nay là huyện Thạch Thất, việc rào đường đã làm ảnh hưởng đến giao thương buôn bán giữa miền núi và đồng bằng. Đề nghị làng Văn hóa, đơn vị 916 nhanh chóng tháo gỡ toàn bộ rào thép gai, cây cọc bê tông để hoàn trả lại con đường như cũ.

Kết thúc buổi họp ngày 18/2, các bên đều thừa nhận cái khó, cái khổ của nhân dân khi bị bịt đường. Đến sáng 19/2, khi chúng tôi có mặt tại tuyến đường này, mới chỉ có đơn vị 916 tiến hành “sửa sai”, tháo gỡ toàn bộ phần hàng rào đã rào đường và trả lại hiện trạng con đường như cũ. Còn làng Văn hóa vẫn giữ nguyên hiện trạng, đường vẫn rào im ỉm.

Theo tin mới nhất mà Dân trí nhận được sáng nay 20/2, chiều tối qua (19/2), làng Văn hóa đã phá dỡ nốt phần hàng rào của mình. Như vậy, cho đến sáng nay tuyến đường huyết mạch giao thông của bà con 2 xã Yên Trung, Yên Bình đã được thông trở lại.
 
Hồng Ngân