1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Mất” đường ra Thủ đô!

Sau 6 tháng hợp nhất về Hà Nội, người dân hai xã Yên Trung và Yên Bình (huyện Thạch Thất) bỗng “mất” con đường duy nhất để ra trung tâm Thủ đô. Việc đi lại, thông thương với bên ngoài bị đình trệ; người dân đành khắc phục bằng cách… luồn rừng.

“Mất” đường ra Thủ đô! - 1
Người và xe cùng "bó tay" trước con đường bị rào kín mít.
 
Ngủ dậy thấy “mất” đường

 

Sáng sớm 5/2, sau khi ngủ dậy, người dân xã Yên Bình ngơ ngác bởi con đường lâu nay họ dùng để đi từ xã ra Quốc lộ 21 về Sơn Tây, Thạch Thất, Phúc Thọ, Hà Nội… bỗng dưng bị dựng cọc bê tông bịt kín. Bên cạnh đó là những lưới rào dây thép gai, những ụ đất hàng mét khối không biết được đổ từ bao giờ nhằm ngăn cản không cho người và các phương tiện giao thông qua lại.

 

Quá bức xúc, hàng chục nông dân cùng bà con tiểu thương địa phương đã lũ lượt kéo nhau đi kiện chính quyền. Ông Bùi Xuân Lai - Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Yên Bình phân bua: “Ngay khi người dân kéo lên xã phản ánh, chúng tôi vẫn không tin đó là sự thật”. Đến khi ra tận hiện trường nơi bà con phản ánh, ngay cả ông Lai cũng không biết ai đã làm việc này.

 

Ông Lai nói: “Không chỉ có Yên Bình mà ngay cả hai xã vùng sâu phía trong là Yên Trung và Yên Quang cũng sử dụng con đường nói trên để thông thương ra ngoài. Hiện ngay chính quyền xã chúng tôi cũng chưa nắm rõ được là cơ quan nào đã làm việc này bởi xung quanh đây có gần 20 đơn vị, cơ quan đặt trụ sở. Chính vì thế, trước bức xúc của bà con, chúng tôi làm công văn báo cáo lên UBND huyện Thạch Thất đề nghị can thiệp”.

 

Ông Nguyễn Giáp Dần - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của xã Yên Bình cho biết: “Thực chất, nếu tính về địa giới hành chính thì con đường này không thuộc địa phương quản lý. Nhưng dù có rào đường với bất kỳ mục đích gì thì ít nhất, cơ quan tổ chức nào tiến hành việc làm nói trên cũng nên thông báo với chúng tôi để có biện pháp phối hợp, tránh tình trạng bức xúc trong nhân dân vì người dân đã sử dụng con đường này từ rất lâu. Nếu hành xử như hiện nay thì quả là họ đã làm khó cho chính quyền địa phương bởi không biết phải giải thích với nhân dân như thế nào”.

 

Cũng với tâm trạng bất ngờ như thế, ông Hoàng Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung phản ánh: “Việc bất ngờ rào đường không cho người dân qua lại được tiến hành hết sức bất ngờ. Ngay cả bản thân tôi hôm 5-2 lên huyện họp khi qua con đường này cũng đã phải xuống khiêng xe vượt rào để đi qua. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống và việc đi lại giao thương của người dân”.

 

Người Thủ đô… luồn rừng

 

Trước việc bỗng dưng mất con đường quen thuộc, hiện nay người dân của 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Yên Quang đứng trước hai lựa chọn. Một là đi theo Tỉnh lộ 49 qua Đông Xuân, Tiến Xuân để ra Quốc lộ 21. Hai là bám theo những con đường mòn chằng chịt trong những cánh rừng keo và bạch đàn cách UBND xã Yên Bình chừng 2km để ra ngoài. Có lẽ vì giải pháp thứ nhất khiến cung đường trở nên quá xa nên hầu hết người dân đều chọn cách thứ 2.

 
“Mất” đường ra Thủ đô! - 2
 

Đi cùng ông Dần, chúng tôi có mặt tại cánh rừng này thì gặp anh Nguyễn Đức Phong, ở xóm Hương, xã Yên Trung đang loay hoay không biết thoát khỏi rừng bằng lối nào. Anh Phong kể: “Từ hôm bị bịt mất lối đi, em nghe theo người dân ở đây chỉ dẫn đi tắt lên Sơn Tây bằng cách luồn qua cánh rừng này. Nhưng vì không thuộc hết những lối mòn trong này nên bị lạc. May gặp các anh chỉ đường nếu không thì còn vòng vo ở đây mãi vì mất phương hướng”.

 

Ở đầu cánh rừng phía bên kia, chúng tôi gặp chiếc xe công nông chở vật liệu xây dựng của anh Lê Đức Tiến cho một công trình tại Yên Bình. Trước bức tường rào bằng cột bê tông chắc chắn, chiếc xe của anh Tiến đành thúc thủ và đang phải tính cách luồn rừng.

 

Anh Tiến bảo: “Tôi không phải dân ở đây nên không biết đường mòn trong rừng keo có đủ rộng để cho công nông đi hay không. Chỉ sợ vào giữa chừng bị lạc hay sa xuống hố thì khốn. Nếu biết đường bị rào thế này thì tôi đã chẳng nhận hợp đồng vận chuyển làm gì. Bây giờ quay về thì thành ra phá hợp đồng sẽ bị phạt, đi tiếp thì không được, vòng lên Tiến Xuân theo đường 49 thì lỗ tiền cước. Thật chẳng biết tính làm sao nữa”.

 

Cũng lâm vào cảnh bi đát vì bị rào đường như anh Tiến, anh Nguyễn Văn Quang, ở Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội chỉ tay qua cánh rừng mếu máo: “Mấy anh em chúng tôi có thuê đất của một cơ quan trong kia để xây 15 trại lợn, tổng diện tích hơn 10ha. Từ hôm bị rào đường đến giờ, hơn 3 vạn con lợn của chúng tôi đang phải cầm hơi ngày 1 bữa vì xe chở thức ăn gia súc không biết vào bằng cách nào.

 

Nếu tình trạng này kéo dài, đàn lợn của chúng tôi chắc sẽ chết vì đói. Anh em chúng tôi chắc đến phá sản mất”. Để cứu đàn lợn của mình, anh Quang thừa nhận: “Thú thực với các anh, để cố gắng cứu đàn lợn anh em chúng tôi hàng ngày phải lén lút chở thức ăn gia súc đi theo lối sân bay Hòa Lạc. Cách này tôi biết là sẽ chẳng được lâu vì sớm muộn cũng sẽ bị cấm, mong sao chính quyền địa phương có cách nào đó giải quyết tình trạng này, nếu không thì chẳng riêng tôi mà hàng vạn người dân nơi đây chỉ còn cách duy nhất là… bay”.

 

Theo Nguyễn Long
An ninh Thủ đô