Giữa vịnh Hạ Long không có sóng vì lắp một cột cũng phải báo cáo Thủ tướng
(Dân trí) - ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu thực tế nhiều du khách bức xúc với việc giữa vịnh Hạ Long không có sóng điện thoại, do quy định lắp một cột thu phát sóng cũng phải báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng.
Những bất cập này được nêu ra tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 27/8, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Theo dự thảo luật, khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích, chỉ được sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng công trình chỉ được thực hiện khi có ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng (đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới); của Bộ trưởng VH-TT&DL (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia); của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh.
Dự thảo cũng quy định, tại khu vực bảo vệ 2 của di tích, được sửa chữa, cải tạo, xây dựng các công trình kinh tế - xã hội nhưng phải có ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL và người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh như phân loại ở trên.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị làm rõ, phân loại tiêu chí, quy mô, loại hình công trình sửa chữa, cải tạo, xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích; hoặc xác định tiêu chí các thủ tục hành chính, thời gian trả lời đối với từng loại hình công trình.
Theo bà Hà, với các công trình xây dựng không có tác động trực tiếp tới di tích, công trình tạm, công trình nhằm đảm bảo an toàn của di tích, nên phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ cần báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng VH-TT&DL.
Nữ đại biểu nêu thực tế hiện có nhiều công trình mất rất nhiều thời gian mới có thể triển khai vì quy định "phải có sự đồng ý bằng văn bản".
"Rất nhiều cử tri, du khách bức xúc với việc giữa vịnh Hạ Long không có sóng điện thoại, hay lúc thời tiết bão gió không thể liên lạc được với tàu, thuyền ở trong khu vực của vịnh", bà Hà nói bất cập này đến từ quy định lắp một cột thu phát sóng ở vịnh Hạ Long cũng phải báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng.
Tương tự, việc xây dựng các rãnh thoát nước chảy trực tiếp vào di tích quốc gia đặc biệt ở Yên Tử cũng phải báo cáo, được sự chấp thuận bằng văn bản của Thủ tướng, trong khi đó là việc cấp bách và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới di tích. "Trình tự, thủ tục mất rất nhiều thời gian", bà Hà nói.
Nhất trí với quan điểm này, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề nghị cơ quan thẩm tra, soạn thảo tiếp thu ý kiến để đưa vào luật trình Quốc hội thông qua.
"Trên thực tế, do lịch sử để lại, trước khi di sản, di tích được công nhận đã có các công trình hiện hữu ở đó, song việc thực hiện công trình dự án, kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn vì quá nhiều thủ tục trình cơ quan chức năng. Cử tri bức xúc, quản lý Nhà nước gặp khó khăn", bà Luyến nói.
Trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết có một số ý kiến đề nghị quán triệt nguyên tắc không quy định việc xây dựng công trình, nhà ở; chỉ cho cải tạo, sửa chữa trên cơ sở phải giữ được nguyên trạng về mặt bằng, không gian, không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng, trong khu vực bảo vệ 1 của di tích chỉ được sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định, việc thực hiện đầu tư, dự án xây dựng đầu tư công trình được thực hiện theo quy định của luật này và thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.