Đại biểu Quốc hội lo ngại nếu "tội phạm tăng, hình phạt giảm"
(Dân trí) - Với việc điều chỉnh biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long cho rằng cần xem xét thận trọng, kỹ lưỡng trong bối cảnh tội phạm đang gia tăng.
Sáng 27/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6 cho ý kiến về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, với một trong những nội dung điều chỉnh được quan tâm là biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên phạm tội.
Chính sách nhân văn nhưng cần xem xét thận trọng
Biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, bao gồm các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) nhận định nội dung này thể hiện chính sách khoan hồng, tạo cơ hội cho người chưa thành niên nhìn nhận và chịu trách nhiệm với hành vi của mình mà không để lại án tích, ngăn ngừa sự miệt thị sau này hay tác động bất lợi khi bị đưa ra xử lý.
Việc xử lý chuyển hướng hạn chế áp dụng chế tài có yếu tố trừng phạt mà thiên về hòa giải, khắc phục, giúp người chưa thành niên phạm tội tự ý thức và chịu trách nhiệm về thiệt hại gây ra.
Nhìn ở góc độ khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long cho rằng thay đổi về chính sách cần xem xét thận trọng, kỹ lưỡng.
Ông dẫn Bộ luật hình sự hiện hành quy định 14 tội không áp dụng chuyển hướng xử lý đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 8 tội không áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Nhưng dự thảo này quy định chỉ còn áp dụng với 11 tội cho cả 2 nhóm đối tượng trên, trong đó loại trừ một số tội mà theo đại biểu Long, đang có xu hướng gia tăng. Và điều này có thể dẫn đến giảm tính răn đe, phòng ngừa.
"Năm 2023, tội phạm ở người chưa thành niên tăng 14% và xu hướng năm nào cũng tăng. Thay đổi chính sách hình sự trong bối cảnh tội phạm tăng, hình phạt giảm nhẹ sẽ tác động thế nào cần đánh giá kỹ, không nên loại trừ triệt để và quá lớn như Điều 38 dự thảo luật", ông Long nêu ý kiến.
Phân tích rõ hơn về quy định này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh dự án luật này đang thiết kế nhiều chính sách, nhưng quan trọng nhất là chuyển biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Theo nữ đại biểu, nếu là biện pháp tư pháp, người chưa thành niên phạm tội sẽ phải đi hết giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, có thể bị tạm giam cả năm mới được đưa vào trường giáo dưỡng.
Còn theo quy định của dự thảo, ngay ở giai đoạn điều tra, nếu đủ điều kiện thì trong tháng đầu bị tạm giam, cơ quan chức năng có thể lập hồ sơ đề nghị đưa các cháu vào trường giáo dưỡng.
"Dù được áp dụng chuyển hướng ở một số tội nhưng chế tài không thay đổi so với luật hiện hành, chỉ đảm bảo thân thiện và nhân văn hơn, cụ thể là chỉ giảm thời gian bị tạm giam", bà Thủy lý giải.
Theo quan điểm của Thường trực Ủy ban Tư pháp, người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt (thể chất, tinh thần, nhận thức và đạo đức), chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất trước các nguy cơ vi phạm và tội phạm.
Đặc biệt khi tham gia vào các quy trình tư pháp hình sự, người chưa thành niên đều dễ bị tác động tiêu cực, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế (như khởi tố, bắt, giam, giữ, khám xét...). Vì thế, thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành.
Có nhất thiết xây trại giam riêng cho người chưa thành niên phạm tội?
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho thấy nhiều ý kiến nhất trí việc bố trí trại giam riêng cho người chưa thành niên, song đề nghị cân nhắc quy định hiệu lực thi hành nội dung này có thể muộn hơn (2 hoặc 3 năm) để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất.
Ngược lại, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về nguồn lực để bảo đảm tính khả thi.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đề xuất chỉnh lý theo hướng quy định cả 2 mô hình gồm trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Căn cứ điều kiện thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định mô hình phù hợp cho từng giai đoạn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng không nhất thiết phải xây dựng trại giam riêng cho người chưa thành niên vì dự thảo luật đã quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Theo các quy định tại dự thảo, rất nhiều trẻ em phạm tội sẽ được xử lý chuyển hướng, không bị giam giữ tại các trại giam mà có thể vào trường giáo dưỡng hoặc cho phép ở ngoài cộng đồng. Do đó, số lượng người chưa thành niên trong các trại giam sẽ không nhiều.
"Trong điều kiện hiện nay, nếu xây dựng trại giam rất tốn kém. Ta xây dựng trại giam riêng có thể chỉ giam giữ 5-7 người thì lãng phí, nhất là với điều kiện ngân sách hiện nay", ông Hòa nói không nên xây dựng trại giam riêng cho người chưa thành niên.
Tuy nhiên, vị đại biểu ủng hộ việc người chưa thành niên cần được giam giữ riêng, cần có phân khu riêng trong khuôn viên trại giam.
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng cho rằng rất khó khăn để xây dựng trại giam riêng trong bối cảnh hiện nay.
"Nếu xây dựng trại giam riêng cho người chưa thành niên, có thể chỉ ở khu vực nhất định, cả nước có vài trại như vậy, cự ly từ quê của người chưa thành niên đến chỗ đó là rất xa, khó thực hiện trách nhiệm của gia đình trong thăm nuôi, phối hợp giáo dục cho người chưa thành niên phạm tội", ông Gia nêu bất cập.
Vị đại biểu cho rằng cần quan tâm đặc biệt đến phân trại cho người chưa thành niên trong trại giam sẽ phù hợp với thực tiễn hơn.